HSBC: 'Tiền mặt vẫn là vua'
Nhóm nghiên cứu của HSBC do Fredrik Nerbrand, phụ trách Bộ phận Phân phối Tài sản Toàn cầu, chủ trì, trong báo cáo ra hôm thứ Năm 4/2, cho rằng, tiền mặt là vua trong một thế giới ngập trong nợ nần. Mặc dù các thị trường đã ổn định sau đợt bán tháo hồi tháng 1 vừa qua, nhưng HSBC vẫn nhận thấy chưa có nhiều lý do để tăng cường mua vào cổ phiếu.
Dưới đây là 2 yếu tố chính mà HSBC đưa ra để giải thích cho thái độ "thận trọng":
Lợi nhuận của các công ty đang giảm
Có rất nhiều cuộc thảo luận về sự sụt giảm lợi nhuận của các công ty trong suốt những tháng qua và HSBC cho rằng việc này chưa thể sớm kết thúc. Khi không có thêm lý do để lạc quan về lợi nhuận công ty, cũng có ít lý do để lạc quan về cổ phiếu. "Trừ khi lợi nhuận công ty bắt đầu tăng, chưa thể lạc quan về các loại tài sản nhạy cảm về kinh tế như chứng khoán", HSBC cho biết.
Vẫn bị định giá quá cao
Tuy giá cổ phiếu đã trở nên hấp dẫn hơn sau khi thị trường đi xuống, song HSBC vẫn cho rằng biên lợi nhuận vẫn chưa đủ rộng để mua vào. Thị trường vẫn còn có thể biến động mạnh trong thời gian tới, và sự ổn định hiện tại chỉ là tạm thời.
Dựa vào đó, HSBC đã điều chỉnh mô hình phân bổ tài sản, tăng lượng tiền mặt nắm giữ thêm 11 điểm phần trăm lên 17% trong danh mục đầu tư 6 tháng, trong khi giảm lượng vốn phân bổ vào trái phiếu chính phủ Đức và Thụy Điển khi lợi tức "hiện đã giảm xuống mức rất thấp". Trong khi đó, HSBC cũng đang cắt lỗ đối với chứng khoán Trung Quốc do kết quả thu về không tương xứng với kỳ vọng.
“Kinh tế sẽ tiếp tục có xu hướng đi xuống”, nhóm nghiên cứu HSBC cho biết. “Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận doanh nghiệp và niềm tin của nhà đầu tư. Triển vọng tăng trưởng ảm đạm cũng làm tăng rủi ro chính trị. Chúng ta có thể thấy mối tương quan giữa giữa thị trường chứng khoán và trái phiếu ngoại vi đã trở nên mật thiết hơn. Điều này cho thấy thị trường đang lo ngại về các nguy cơ mà nợ công đem lại.”
Nhận định của HSBC cũng đồng quan điểm các cảnh báo trước đó của các hãng trên Phố Wall, như Citigroup - dự đoán nguy cơ suy thoái toàn cầu tiếp tục tăng. Trong khi đó, các chuyên gia của JPMorgan Chase khuyên rằng nhà đầu tư nên dùng đợt phục hồi chứng khoán hiện nay để bán cổ phiếu. Họ cũng chỉ ra các lý do là triển vọng tăng trưởng kinh tế ảm đạm, lợi nhuận doanh nghiệp giảm và nguy cơ suy thoái lớn dần.
Nhật Trường
Nguồn Bloomberg