Đầu tháng 9, HSBC và Markit Economics công bố Chỉ số phát triển kinh tế tại các thị trường mới nổi (EMI) cho thấy, chỉ số này tăng từ 51,7 điểm trong tháng 7 lên 52,5 điểm trong tháng 8. Qua đó đánh dấu 18 tháng liên tiếp trên 50 điểm (ngưỡng thể hiện sự tăng trưởng). Bên cạnh đó, đây là kết quả EMI cao nhất đạt được kể từ tháng 3/2013.
Nằm trên ngưỡng 50 điểm, kết quả trong tháng 8 cho thấy sản lượng của các thị trường mới nổi đang nằm trong xu hướng tiếp tục tăng trưởng.
Chris Williamson - Chuyên gia kinh tế trưởng của Markit nhận định: “Tăng trưởng kinh tế tại các thị trường mới nổi tiếp tục hồi phục sau giai đoạn trì trệ hồi đầu năm nay (...) chủ yếu do tăng trưởng ngành dịch vụ tại Trung Quốc đã thúc đẩy tốc độ tăng trưởng chung".
Ngành dịch vụ của Trung Quốc có vai trò đóng góp chính khi tăng trở lại trong tháng 7 và tiếp tục đà tăng trong tháng 8. Trong tháng 8, sản lượng ngành dịch vụ tại các thị trường mới nổi tăng mạnh trong khi sản xuất đầu ra tăng ở mức không đổi.
Tuy nhiên, chỉ số EMI vẫn còn thấp hơn mức trung bình 53,8 điểm trong khoảng từ cuối năm 2005.
Trong số các nền kinh tế mới nổi, “tình hình kinh tế Brazil là tệ nhất (...) với sản lượng sụt giảm nhẹ tháng thứ 5 liên tiếp từ các khảo sát PMI”, ông Williamson nhận định.
Cùng chung nhận định, Andre Loes - Chuyên gia kinh tế trưởng, Khối Nghiên cứu kinh tế của HSBC khu vực châu Mỹ Latinh cho biết: “Sản lượng tại Brazil giảm cho thấy rủi ro suy thoái tiếp diễn trong giai đoạn nửa đầu năm nay".
Ngoài ra, các thị trường mới nổi khác cũng tăng trưởng nhưng không mấy mạnh mẽ là Ấn Độ và Nga. Ông Williamson cho biết: “Chúng tôi cũng ghi nhận tăng trưởng tại Ấn Độ ở mức nhẹ. Tuy nhiên xu hướng tăng trở lại trong những tháng gần đây là kết quả cải thiện của đợt suy giảm trước".
Tại Nga, "tăng trưởng cũng đã trở lại dù với mức thấp ngược lại với xu hướng suy giảm 3 tháng liên tiếp kể từ tháng 5".
Bất chấp những tác động bất lợi từ tình hình Ukraine và các lệnh trừng phạt từ Mỹ và Liên minh châu Âu, ông Williamson vẫn khẳng định: "Kinh tế Nga sẽ không đi vào khủng hoảng".
Tuy nhiên, triển vọng của các doanh nghiệp trong 12 tháng tới tương đối bi quan, khi rơi xuống mức thấp báo động tương tự như trong tháng 5.
Nguồn Theo DVO/ HSBC