HSBC: Cơn hoảng loạn chứng khoán Trung Quốc sắp kết thúc
So với mức đỉnh hồi tháng 6, dư nợ ký quỹ trên sàn Thượng Hải và Thâm Quyến đã giảm 60% xuống 147 tỷ USD. Lượng vốn đi vay mượn hiện chỉ chiếm 2,8% tổng vốn hóa của toàn thị trường, thấp nhất 10 tháng qua và giảm so với mức kỷ lục 4,5% hồi đầu năm nay.
“Thời kỳ tồi tệ nhất của thị trường chứng khoán đại lục đã qua. Quá trình phi đòn bẩy (deleveraging process) gần như đã kết thúc", Steven Sun, phụ trách chiến lược cổ phiếu Trung Quốc của HSBC, nhận định.
Khi bong bóng chứng khoán Trung Quốc nổ hồi tháng 6 vừa qua, các nhà giao dịch đã bắt đầu cắt giảm nợ với dự đoán giá cổ phiếu không hợp lý. Hôm 22/9, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định chứng khoán Trung Quốc đã bước vào giai đoạn "tự hồi phục" và các nhà hoạch định chính sách tự tin rằng thị trường đã đủ mạnh để tự đứng vững khi Chính phủ rút bớt các biện pháp hỗ trợ.
Tuần qua, dư nợ ký quỹ đã ổn định sau khi giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2014, trong khi chỉ số Shanghai Composite tháng 9 biến động nhẹ sau khi giảm 40% so với mức đỉnh hồi tháng 6.
HSBC cũng nhận định các cổ phiếu loại A (cổ phiếu niêm yết trên thị trường đại lục) vẫn sẽ “mắc kẹt” do đang có giá tương đối cao so với cổ phiếu niêm yết trên sàn Hong Kong. Theo tính toán của Bloomberg, đối với các cổ phiếu niêm yết ở cả hai sàn, trung bình mức giá ở Thượng Hải đắt gấp đôi so với ở Hong Kong.
Nhật Trường
Nguồn Bloomberg