Thứ Ba | 10/02/2015 16:32

HSBC: Các thị trường mới nổi tăng trưởng chậm nhất 8 tháng

Tháng 1/2015, chỉ số phát triển kinh tế tại thị trường mới nổi giảm nhẹ so với tháng 12 do kinh tế Nga suy yếu và Trung Quốc mất đà tăng trưởng.

Cụ thể theo báo cáo của HSBC, chỉ số phát triển kinh tế tại các thị truờng mới nổi (EMI), là chỉ báo hàng tháng đuợc trích xuất từ các khảo sát về Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI), giảm xuống 51,2 điểm trong tháng 1 từ mức cao nhất 3 tháng 51,7 điểm ghi nhận trong tháng 12/2014. Đây cũng là mức điểm thấp nhất kể từ tháng 5/2014.

 

Trung bình trong năm 2014, chỉ số EMI đạt 51,4 điểm - mức trug bình năm thấp nhất kể từ khi loạt khảo sát bắt đầu vào cuối năm 2005.

Một điều đáng chú ý là trong tháng 1, ngành sản xuất tại khối thị trường mới nổi có dấu hiệu phục hồi với tốc đột tăng trưởng nhanh nhất kể từ tháng 8/2014. Ngược lại, ngành dịch vụ lại ghi nhận tháng thứ 8 tăng trưởng yếu ớt.

Trong 4 thị trường mới nổi lớn nhất, Nga và Brazil vẫn là những nền kinh tế chật vật nhất. Sản lượng sản xuất của khối doanh nghiệp tư nhận tại Nga giảm nhanh nhất gần 6 năm trong khi sản lượng sản xuất tại Brazil cũng giảm lần thứ 9 trong vòng 10 tháng qua. Trung Quốc cũng không khả quan hơn khi hoạt động kinh tế ghi nhận tháng thứ 4 tăng trưởng chậm.

Điểm sáng duy nhất đối với khối thị trường mới nổi là Ấn Độ - được xem là một trong những nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất trong vòng 2 năm qua.

Đáng lo ngại nhất là áp lực lạm phát tại khối thị trường mới nổi đang dần suy yếu trong tháng 1 do giá cả đầu vào và đầu ra đều giảm. Tuy nhiên, lạm phát tại Nga lại đi ngược với xu hướng chung khi bất ngờ tăng mạnh trong đầu năm 2015 do ruble lao dốc.

Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp có phần mất niềm tin vào triển vọng tăng trưởng của khối thị trường mới nổi. Theo đó, Chỉ số sản lượng tương lai tại các thị trường mới nổi, thể hiện kỳ vọng của các doanh nghiệp đối với các hoạt động sản xuất trong 12 tháng tới, vẫn đang ở mức thấp thứ ba tính đến thời điểm hiện tại.

Theo nhận định của Giám đốc Khối nghiên cứu Kinh tế khu vực châu Á Frederic Neumann, Châu Á có một khởi đầu không thuận lợi trong năm 2015, một phần do giá dầu thấp hơn vẫn chưa tạo được lực kéo. Ngoài ra, Trung Quốc tiếp tục là nguyên nhân chính gây trì trệ cho các hoạt động trong khu vực.

Nguồn DVO/ HSBC