Chủ Nhật | 12/10/2014 08:29

Hong Kong: Người biểu tình chơi bóng bàn giữa đường phố

Không chỉ sử dụng giường, bàn bóng bàn, bàn mạt chược để vui chơi và nghỉ ngơi, nhiều người thậm chí còn ăn lẩu ngay giữa đường.
Để chuẩn bị cho kế hoạch biểu tình lâu dài, những người biểu tình ở Hong Kong đã quyết định sử dụng những vật dụng gia đình sinh hoạt ngay giữa đường.

Không chỉ sử dụng giường, bàn bóng bàn, bàn mạt chược để vui chơi và nghỉ ngơi, nhiều người thậm chí còn ăn lẩu ngay giữa đường.

Trước đó, tối 10/10, hàng chục nghìn người dân đã đổ về khu vực tòa nhà chính quyền Hong Kong ở quận Admiralty để tham gia phong trào biểu tình “Chiếm Trung tâm” sau khi đàm phán giữa người biểu tình với chính quyền Đặc khu bị hoãn đột ngột.

Người biểu tình ăn lẩu, mang giường ra ngủ giữa đường.
Người biểu tình ăn lẩu, mang giường ra ngủ giữa đường.

“Tôi nhớ chiếc giường ấm áp ở nhà nhưng tôi sẽ chiến đấu vì dân chủ. Tôi kêu gọi tất cả mọi người tiếp tục bám trụ tại đây” – lãnh đạo cuộc biểu tình Occupy Central Benny Tai phát biểu trước đám đông.

Từ chiều cùng ngày, số lượng người biểu tình tăng từ 7.000 người lên 10.000 người rồi sau đó lên đến khoảng 15.000 người.

Người biểu tình hô to: “Tiếp tục chiếm giữ” và hát bài hát chủ đề phim “Những người khốn khổ” – “Do You Hear The People Sing?" bằng tiếng Quảng Đông.

“Tôi sẽ trụ tại đây cho đến khi chính quyền đàm phán với chúng tôi” – Yuli Law, một sinh viên y khoa 21 tuổi cho biết.

“Chúng tôi ủng hộ của biểu tình cho đến khi nào chính quyền thật sự đáp lại lời kêu gọi của chúng tôi” một nhân viên nhân sự 27 tuổi Vincy Chan cho biết. Theo Chan, việc chính quyền từ chối tham gia đàm phán là phản tác dụng và càng khiến số người biểu tình đông hơn.

Trong khi đó, theo Tân Hoa xã, ngày 10/10, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường khẳng định chính quyền Đặc khu hành chính Hong Kong có thể đảm bảo rằng trung tâm tài chính quốc tế này là nơi an toàn không chỉ cho người dân ở đây mà cả các nhà đầu tư nước ngoài.

Phát biểu trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Đức Angela Merkel sau khi kết thúc vòng ba cuộc tham vấn chung giữa chính phủ hai nước tại Berlin, Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết chính quyền Hong Kong có thể duy trì sự thịnh vượng kinh tế cũng như sự ổn định xã hội phù hợp với luật pháp, đồng thời đảm bảo những quyền lợi cơ bản của các nhà đầu tư Đức cũng như các nhà đầu tư nước ngoài.

Ông khẳng định nguyên tắc “một nước, hai chế độ” sẽ không thay đổi; một Hong Kong thịnh vượng và ổn định sẽ mang lại lợi ích cho Trung Quốc đại lục và cả Hong Kong.

Ở một diễn biến khác, Trưởng đặc khu Hong Kong Lương Chấn Anh còn đối mặt cuộc điều tra sau khi xuất hiện cáo buộc ông nhận hối lộ 6,4 triệu USD của Công ty Kỹ thuật UGL (Úc).

Ông Lương và đại diện của Công ty Kỹ thuật UGL đã ký một hợp đồng vào cuối năm 2011. Theo đó, UGL, công ty mua lại DTZ Holdings mà ông Lương từng là giám đốc, sẽ trả số tiền trên với điều kiện ông không được thành lập công ty đối thủ và sẵn sàng làm cố vấn cho công ty này trong 2 năm 2012 và 2013.

Trong một động thái liên quan, hôm 10/10, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ báo cáo của một cơ quan thuộc Hạ viện Mỹ liên quan tới tình hình Hong Kong. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho rằng, báo cáo về tình hình Hong Kong của cơ quan hành chính Hạ viện Mỹ là phiến diện, sai sự thực.

Ông Hồng Lỗi cũng cảnh báo chính phủ và cá nhân nước ngoài không được can thiệp vào công việc nội bộ của Hong Kong: “Hong Kong là công việc nội bộ của Trung Quốc; bất cứ chính phủ, tổ chức hay cá nhân nước ngoài nào đều không có quyền can thiệp. Cơ quan của Mỹ cần thận trọng trong lời nói và hành động, không được ủng hộ hoạt động phi pháp chiếm đóng trung tâm, không được phát đi bất cứ tín hiệu sai lầm nào”.

Không chỉ mạnh mẽ lên án Mỹ, Trung Quốc còn phản đối Anonymous trước thông tin tổ chức tin tặc này ủng hộ biểu tình ở Hong Kong. Trước đó có thông tin rằng Anonymous đe dọa sẽ tấn công phần lớn các trang mạng chính phủ của Trung Quốc và Hong Kong, làm rò rỉ chi tiết hàng ngàn địa chỉ email cùng những bức thư quan trọng của quan chức Trung Quốc.

Tổ chức tin tặc này làm thế để bày tỏ sự ủng hộ biểu tình ở Hong Kong, muốn chính phủ không dùng hơi cay, các hành động khác chống người biểu tình.

“Nếu đấy là sự thật, nó cho thấy chính phủ Trung Quốc là nạn nhân, một trong những nước bị tin tặc tấn công. Trung Quốc luôn luôn phản đối tất cả các hoạt động tin tặc dưới mọi hình thức. Chúng tôi lên án mạnh mẽ và kiên quyết chống lại hành vi của tổ chức trên” – ông Hồng Lỗi nói.

Nguồn Đất Việt


Sự kiện