Thứ Bảy | 23/06/2012 11:32

Hong Kong không còn là thiên đường IPO

Vấn đề của sàn chứng khoán Hong Kong là nguồn IPO truyền thống – các doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn của Trung Quốc – ngày càng ít đi.
Sau khi giữ vị trí số một thế giới tính theo giá trị huy động từ các đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) giai đoạn 2009-2011, sàn chứng khoán Hong Kong đã tụt hạng xuống vị trí thứ 7.

Năm nay, các mã cổ phiếu mới niêm yết tại Hong Kong chỉ huy động được 3,2 tỷ USD, giảm so với 35,4 tỷ của cả năm 2011 và mức kỷ lục 67,8 tỷ USD năm 2010. Đến thời điểm hiện tại, sàn Nasdaq, New York và Thượng Hải đang là nhóm dẫn đầu.

Các nhà môi giới đang đặt câu hỏi liệu Hong Kong có lấy lại được vị trí dẫn đầu trong những năm tới hay không hay thời kỳ bùng nổ đã hết. Câu hỏi này quan trọng vì các cổ phiếu mới niêm yết từ lâu coi thị trường chứng khoán Hong Kong và vai trò của nó như một trung tâm tài chính.

Hong Kong Exchanges & Clearing (HKEx) – công ty điều hành sàn chứng khoán Hong Kong – lộ rõ sự lo ngại về tương lai của hoạt động kinh doanh chủ chốt bằng cách cố gắng đa dạng hóa hoạt động và tham gia vào lĩnh vực kinh doanh mới kể cả hàng hóa. Tuần trước HKEx đồng ý mua Sàn giao dịch kim loại London (LME) với giá 1,4 tỷ bảng Anh.

Vấn đề của sàn chứng khoán Hong Kong là nguồn IPO truyền thống – các doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn của Trung Quốc – ngày càng ít đi vì hầu hết số doanh nghiệp này đã niêm yết cổ phiếu trong suốt thập niên qua.

Theo Philippe Espinasse, tác giả cuốn IPO: Hướng dẫn toàn cầu và cựu quản lý thị trường chứng khoán châu Á tại Macquarie và Nomura, thập niên qua, Hong Kong được “trời phú” với nhiều đợt phát hành cổ phiếu lần đầu giá trị lớn của các doanh nghiêp nhà nước như Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, China Telecom, CNOOC và China Life.

Ông Espinasse dự đoán những năm tới, tổng khối lượng IPO của sàn chứng khoán Hong Kong trung bình đạt khoảng 10-15 tỷ USD, giảm mạnh so với những năm trước. Năm 2010, Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc huy động được 22 tỷ USD từ việc niêm yết cổ phiếu tại sàn Hong Kong và Thượng Hải, trở thành ngân hàng nhà nước quy mô lớn cuối cùng bán cổ phiếu ra công chúng.

Việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước dường như hấp dẫn các nhà đầu tư, một phần vì chính phủ Trung Quốc định giá cổ phiếu rẻ nhằm đảm bảo các giao dịch thành công.

“Nguồn giao dịch này chưa hoàn toàn cạn kiệt nhưng những gì chúng tôi quan sát thấy là ngày càng có nhiều giao dịch cổ phiếu của các công ty tư nhân Trung Quốc, một số công ty đó khá nhỏ và có thể chưa đủ điều kiện để niêm yết”, ông Espinasse nói.

Quy mô giao dịch nhỏ hơn nghĩa là sàn chứng khoán Hong Kong sẽ phải vật lộn để đạt được tổng khối lượng cổ phiếu mới niêm yết bằng những năm trước khi các giao dịch trị giá nhiều triệu USD rất phổ biến. Hơn nữa, nhà đầu tư đang hoài nghi về các doanh nghiệp tư nhân quy mô nhỏ của Trung Quốc. Phần lớn các công ty này đều có kết quả hoạt động nghèo nàn và đang gặp phải vấn đề về quản trị doanh nghiệp.

Hứng chịu thua lỗ từ rất nhiều IPO trên sàn chứng khoán Hong Kong trong 2 năm qua, các nhà đầu tư bán lẻ hiện đã bỏ cuộc. Biến động của thị trường toàn cầu những tháng gần đây chỉ làm cho tình hình xấu hơn.

Theo một nhà ngân hàng Hong Kong, điều kiện thị trường đang rất xấu. Giao dịch được nhấc lên đặt xuống, và nhà đầu tư đang mất niềm tin. Ví dụ, tháng trước, Graff Diamonds, công ty trang sức của Anh, đã hủy kế hoạch bán cổ phiếu trị giá 1 tỷ USD.

Để có giao dịch thành công, các nhà ngân hàng đang phải sử dụng đến những sách lược khác thường. Hãy xem xét giao dịch trị giá 580 triệu USD của Sunshine Oilsands trong tháng 2 và giao dịch trị giá 319 triệu USD tuần này của Huadian Fuxin Energy Corp, 2 IPO lớn nhất năm 2012. Có đến 60% cổ phiếu – chưa từng có – của mỗi giao dịch trên được bán cho các nhà đầu tư cơ bản (cornerstone investor), phần lớn là các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc.

Các nhà đầu tư cơ bản đã ký cam kết mua IPO trước khi chúng được bán ra công chúng và nhận lượng cổ phiếu thỏa thuận đổi lại cho việc chấp nhận thời gian đầu tư dài hạn, thông thường là 6 tháng. Sự tham gia của nhà đầu tư cơ bản nghĩa là lượng cổ phiếu cần bán cho nhà đầu tư thông thường và nhà quản lý quỹ sẽ ít hơn.

Ví dụ, PICC, hãng bảo hiểm Trung Quốc, dự định IPO 4 tỷ USD tại sàn chứng khoán Hồng Kông, đã thuê một số lượng kỷ lục 14 ngân hàng đảm trách giao dịch này. PICC nói với các ngân hàng rằng vai trò và mức phí của họ sẽ phụ thuộc vào việc tổ chức và bố trí các nhà đầu tư cơ bản trước khi việc bán ra công chúng bắt đầu.

Các nỗ lực của sàn chứng khoán Hong Kong trong những năm gần đây để thu hút IPO từ các công ty quốc tế đã đạt được thành công nhất định – thu hút được L’Occitane từ Pháp, Prada từ Italia và Rusal từ Nga – nhưng những giao dịch này vẫn chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng số.

Các nhà ngân hàng hy vọng được chứng kiến một vài IPO giá trị lớn hoàn tất vào cuối năm nay, kể cả IPO trị giá 2 tỷ USD của Everbright Bank, một ngân hàng Trung Quốc.

“Khi giá xuống thấp người ta sẽ bắt đầu mua lại, nhưng tôi nghĩ điều này sẽ không sớm xảy ra”, một nhà môi giới cho biết.

Nguồn FT/DVT


Sự kiện