Số liệu mới ghi nhận cho thấy niềm tin của họ khó có thể được cải thiện trong tương lai gần. Ảnh: Getty Images.
Hơn một nửa số sinh viên tốt nghiệp đại học tại Mỹ vẫn thiếu việc làm
Hơn bao giờ hết, mọi người đang đặt câu hỏi về giá trị của việc đi học đại học khi chi phí cho một tấm bằng bốn năm tăng vọt, các công ty cân nhắc phương thức tuyển dụng khác và các vấn đề giáo dục bậc cao dần trở thành một cuộc tranh chấp chính trị. Theo Gallup, năm ngoái chỉ có 36% người Mỹ tin tưởng vào giáo dục bậc đại học, giảm mạnh so với mức 57% vào năm 2015.
Số liệu mới ghi nhận cho thấy niềm tin của họ khó có thể được cải thiện trong tương lai gần. Theo nghiên cứu mới của tổ chức phi lợi nhuận Burning Glass Institute và Strada Institute for the Future of Work, khoảng 52% sinh viên tốt nghiệp đại học thiếu việc làm một năm sau khi tốt nghiệp, nghĩa là họ đang làm một công việc không yêu cầu hoặc không khai thác hết giá trị của tấm bằng đại học mà họ có được. Cũng theo báo cáo này, trong một thập kỷ tới, tỉ lệ sinh viên sau một năm tốt nghiệp không tìm được việc có thể lên tới 73%.
Ông Andrew Hanson, Giám đốc nghiên cứu cấp cao tại Strada và là đồng tác giả của báo cáo, cho biết: “Đây là một thách thức mang tính hệ thống, dai dẳng và sẽ không biến mất nếu không có nỗ lực thay đổi hệ thống lâu dài”.
Strada và Burning Glass đã thực hiện nghiên cứu tương tự cách đây sáu năm và phát hiện ra rằng vào thời điểm đó, 43% sinh viên tốt nghiệp đang thiếu việc làm. Hai báo cáo không thể so sánh trực tiếp do sử dụng các nguồn dữ liệu và hệ quy chiếu khác nhau, nhưng ông Hanson cho biết: "Mức độ thiếu việc làm mà các nhà nghiên cứu nhận thấy trong năm nay rất dai dẳng và cao hơn chúng tôi nghĩ trước đây."
Bất chấp những lời bàn tán sôi nổi về “tuyển dụng dựa trên kỹ năng” khiến các nhà tuyển dụng như Walmart và IBM bỏ yêu cầu bằng cấp đại học đối với nhiều vị trí công việc, nhiều công ty khác vẫn đang tìm kiếm ứng viên có bằng cấp. Nhưng ngay cả khi bằng cấp vẫn được ưu tiên cho nhiều vị trí, nhiều sinh viên sau tốt nghiệp vẫn khó khăn khi tìm việc vì nhiều trong số họ chọn chuyên ngành không có con đường sự nghiệp rõ ràng, và vì các trường đại học không đào tạo đủ cho sinh viên đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng, các đồng tác giả của báo cáo cho biết.
Thật vậy, hai điểm khác biệt lớn nhất về việc một sinh viên tốt nghiệp có tìm được việc làm hay không phụ thuộc nhiều vào chuyên ngành của họ và liệu sinh viên đó có thực tập trong lĩnh vực liên quan khi học đại học hay không, báo cáo phân tích cho biết. Điều này lại là một điểm tích cực, ông Hanson nói, “bởi vì bạn có thể thay đổi cả hai điều đó… Chúng ta có thể tác động đến hai yếu tốc này bằng cách đào tạo tốt hơn và tăng khả năng tiếp cận các cơ hội học tập dựa trên công việc trong tương lai.”
Báo cáo cho thấy những sinh viên được thực tập trong thời gian đại học có tỉ lệ thất nghiệp sau khi tốt nghiệp thấp hơn 49%. Ông Carlo Salerno, Giám đốc Điều hành tại Burning Glass Institute và là đồng tác giả của báo cáo, cho biết: “Tất cả chúng tôi đều tin rằng thực tập giúp sinh viên tốt nghiệp không chỉ có được việc làm mà còn có được việc làm trong lĩnh vực họ quan tâm."
Không có gì đáng ngạc nhiên khi báo cáo này phát hiện ra rằng những sinh viên học các chuyên ngành như toán học, kỹ thuật và khoa học máy tính có tỉ lệ thiếu việc làm thấp nhất - mỗi chuyên ngành dưới 37%. Sinh viên tốt nghiệp có bằng cấp về an toàn và an ninh công cộng, tiếp thị và giải trí phải đối mặt với mức độ thiếu việc làm cao nhất, mỗi ngành từ 57% trở lên.
Theo báo cáo, tình trạng thiếu việc làm không chỉ tác động đến sự tự tin của sinh viên mà còn đối với ví tiền của họ: Những người lao động có công việc ở trình độ đại học nói chung kiếm được nhiều hơn 33% so với những người cùng lứa đang thiếu việc làm. Những người có việc làm sau khi tốt nghiệp tương đương trình độ học tập của họ kiếm được nhiều hơn 88% so với những người có bằng tốt nghiệp trung học. Trong khi đó, sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc chỉ kiếm được nhiều hơn 25% so với sinh viên tốt nghiệp trung học.
Lời khuyên của ông Hanson dành cho những ai muốn theo đuổi chuyên ngành mà họ đam mê, bất kể triển vọng nghề nghiệp như thế nào, ít nhất phải đạt được một bằng cấp căn bản, chứng chỉ hoặc tham gia chương trình đào tạo để học các kỹ năng theo yêu cầu và thêm chúng vào sơ yếu lý lịch. Ông nói: “Hiện tại chúng ta đang sống trong một thế giới thực sự giàu dữ liệu. Nhu cầu về những kỹ năng đó sẽ tiếp tục tăng."
Suy cho cùng, đối với hầu hết những người từ 18-22 tuổi, các quyết định về chuyên ngành liên quan nhiều đến những gì họ yêu thích và muốn làm hơn là chú trọng vào khoảng cách cung và cầu trên thị trường lao động. Ông Salerno nói. “Mọi người đang đưa ra lựa chọn cơ hội việc làm dựa trên những thứ phức tạp hơn những gì nền kinh tế cần.”
Có thể bạn quan tâm:
Singapore hưởng trọn lực đẩy từ ngành công nghiệp lưu diễn
Nguồn Forbes