Chủ Nhật | 15/09/2013 12:56

Hỗn loạn thông điệp từ thị trường tài chính toàn cầu

Những bất thường trên thị trường tài chính khó tránh khỏi khi ảnh hưởng của các ngân hàng trung ương (NHTW) lên tâm lý thị trường là rất lớn.
Thị trường.

Từ đầu năm 2013 này thì thị trường tài chính thế giới đầy rẫy những diễn biến mâu thuẫn, trái chiều nhau. Lạm phát giảm nhưng trái phiếu chính phủ cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Mức độ ưa thích rủi ro đã tăng trở lại nhưng các thị trường mới nổi hoạt động kém.

Có lẽ những bất thường xảy ra trên thị trường tài chính như trên là không thể tránh khỏi trong bối cảnh ảnh hưởng của các ngân hàng trung ương (NHTW) lên tâm lý thị trường là rất lớn. Nếu như được lựa chọn giữa việc biết trước tỷ lệ lạm phát và tăng trưởng của năm 2014 với chi tiết kế hoạch mua các loại tài sản dài hạn của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) năm tới, nhà đầu tư sẽ chọn phương án 2. Nếu như các nhân tố cơ bản không thể thúc đẩy thị trường tài chính thì khiến cho giá cả biến động theo một khuôn khổ nhất quán là việc rất khó.

Các diễn biến gần đây cũng phản ánh tình trạng tương tự, nhất là trong bối cảnh các thị trường đang bị ảnh hưởng bởi những tuyên bố trong tháng 8. Trong nửa đầu tháng 8, trái phiếu hứng chịu hậu quả khi lãi suất trái phiếu tăng mạnh. Trong nửa sau tháng 8, cổ phiếu bị ảnh hưởng bởi khả năng can thiệp quân sự của phương Tây vào Syria. Nỗi khiếp sợ về xung đột có thể xảy ra ở Trung Đông luôn là nỗi ám ảnh đối với các thị trường 10 năm vừa qua – mặc dù cơn ác mộng tồi tệ nhất – nguồn cung dầu bị gián đoạn vẫn chưa thành hiện thực.

Chúng ta có thể giải thích được các bất thường trên thị trường. Sự phân cực ngày càng rõ giữa tình hình kinh tế tại các thị trường phát triển và các thị trường mới nổi phản ánh đúng xu thế các dữ liệu kinh tế. Kinh tế Mỹ dường như đang khỏe mạnh hơn. Khu vực EU đang dần thoát khỏi suy thoái bất chấp việc số liệu của các nước BRIC đem lại sự thất vọng lớn.

Vào năm 2008 và 2009, câu hỏi từng được đặt ra là liệu các thị trường mới nổi có thể thoát khỏi khủng hoảng tại các nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên hiện nay tình thế đã đảo ngược. Các quốc gia đang phát triển đã có ảnh hưởng lớn hơn đối với nền kinh tế so với cuộc khủng hoảng những năm 1990s. Bất chấp việc giữ triển vọng lạc quan cho nền kinh tế Mỹ, Morgan Stanley đã điều chỉnh giảm dự đoán tỷ lệ tăng trưởng toàn cầu cho năm nay từ 3,1% xuống 2,9% và cho năm 2014 từ 3,9% xuống 3,5%.

Ông Albert Edwards-chiến lược gia theo trường phái bi quan của Société Générale cho rằng biến động gần đây trên các thị trường mới nổi sẽ dẫn đến một cuộc suy thoái toàn cầu mới, gây ra làn sóng giảm phát rộng khắp từ các quốc gia phương Tây sang châu Á và cuối cùng sẽ dẫn đến tình trạng Trung Quốc sụt giảm sức cạnh tranh trong tương quan so sánh với các đối thủ đến từ các thị trường mới nổi, khiến cho Trung Quốc phải phá giá đồng tiền”.

Tuy nhiên sự giảm tốc của các thị trường mới nổi không hẳn là hoàn toàn xấu. Chỉ số tổng hợp các loại hàng hóa của tạp chí The Economist giảm 14,5% trong vòng 12 tháng qua – diễn biến mang tín hiệu tích cực đối với người tiêu dùng ở các quốc gia giầu có. Bất chấp việc giá dầu vẫn ở mức trên 100 USD/thùng – một phần là do các căng thẳng ở khu vực Trung Đông, việc giá cả hàng hóa giảm khiến cho lạm phát cơ bản giảm và tạo điều kiện thuận lợi cho các NHTW tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ hỗ trợ của mình.

Theo lẽ thông thường thì lạm phát thấp là tín hiệu tốt cho trái phiếu Chính phủ. Tuy nhiên điều này không đúng với trái phiếu chính phủ Mỹ - với việc lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm tăng hơn 1% so với hồi đầu năm 2013. Liệu có phải xu hướng tăng này là do kỳ vọng Fed sẽ giảm quy mô chương trình nới lỏng định lượng của mình? Có lẽ là vậy –mặc dù nhà phân tích Dhaval Joshi của BCA cho biết lãi suất các loại trái phiếu đã giảm nhanh nhất trong nhiều năm gần đây khi Fed ngừng chương trình nới lỏng định lượng – chứ không phải là khi Fed thực hiện chương trình này một cách quyết liệt nhất.

Một khả năng nữa là việc các nhà đầu tư đang dần trở nên lạc quan hơn về nền kinh tế toàn cầu và đang chuyển dịch danh mục đầu tư từ trái phiếu sang cổ phiếu. Tuy nhiên như đã đề cập ở trên, tăng trưởng toàn cầu đang bị điều chỉnh giảm chứ không phải tăng và giá đồng – nguyên liệu được xem là chỉ báo cho nền kinh tế - vẫn ở mức thấp.

Biến động giá cả gần đây có thể là do việc các nhà đầu tư nháo nhào tìm cách cắt lỗ. Hồi đầu năm, điều này hoàn toàn đúng với giá vàng: sau gần 1 thập niên tăng giá đều đặn, thị trường vàng đang có diễn biến tâm lý trái chiều. Tương tự như vậy, cuộc khủng hoảng nợ đã khiến nhiều nhà đầu tư tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn bằng cách mua vào trái phiếu chính phủ và đặt hy vọng vào các khoản lợi nhuận khổng lồ tại các thị trường mới nổi. Hai loại tài sản này bị bán tống bán tháo có lẽ là kết quả của việc các nhà đầu tư đang thay đổi.

Hiện nay các nhà đầu tư đang quay trở lại với thị trường chứng khoán của các nước phát triển – đặc biệt là Mỹ - nơi có triển vọng lạc quan. Tuy nhiên điều này phụ thuộc vào việc liệu sự phục hồi kinh tế có vững hay không – bên cạnh việc lợi nhuận các công ty đangdần ổn định. Tỷ lệ tăng trưởng của thu nhập bình quân trên 1 cổ phiếu của các doanh nghiệp thuộc S&P 500 chỉ đạt mức 3,9% cho quý II. Tuy nhiên dự đoán của các chuyên gia cho rằng tỷ lệ này sẽ tăng ở mức 2 con số vào giữa năm tới – khi mà lợi nhuận đã ở mức cao so với GDP. Chúng ta đều mong đợi như vậy.

Nguồn Economist/Dân Việt


Sự kiện