Hơn 3.300 tỷ USD tháo chạy khỏi thị trường chứng khoán
Chỉ số Dow Jones rơi vào giai đoạn điều chỉnh trong khi các chỉ số chứng khoán khác giảm mạnh nhất kể từ năm 2011.
Hơn 3.300 tỷ USD đã tháo chạy khỏi thị trường chứng khoán toàn cầu, sau khi Trung Quốc quyết định phá giá nhân tệ hôm 11/8, gây ra làn sóng bán tháo trên khắp thị trường mới nổi. Lo ngại tăng trưởng kinh tế giảm tốc diễn ra vào thời điểm USD mạnh lên và giá dầu tuộc dốc, khiến lợi nhuận của các doanh nghiệm giảm mạnh.
Mức độ biến động tăng lên với chỉ số S&P 500 có tuần tồi tệ nhất trong 3 năm qua, trong khi chứng khoán châu Âu rơi vào giai đoạn điều chỉnh và các thị trường chứng khoán từ Hong Kong đến Indonesia đều rơi vào thị trường giá xuống. Trái phiếu kho bạc Mỹ có tuần tăng giá mạnh nhất trong 5 tháng qua. Và lần đầu tiên kể từ 2009, giá dầu Mỹ xuống dưới ngưỡng 40 USD/thùng và hướng đến đợt giảm giá dài nhất kể từ năm 1986.
Kết thúc phiên 21/8, chỉ số S&P 500 giảm tới 3,2%, mạnh nhất kể từ tháng 11/2011, xuống dưới 2.000 điểm. Dow Jones mất hơn 500 điểm.
Giới đầu tư đang bán tháo các cổ phiếu từng tăng giá mạnh nhất kể từ đầu năm đến nay. Chỉ trong 2 ngày, cổ phiếu của nhóm “Fab Five” (gồm Netflix, Amazon, Google, Facebook và Apple) mất tới 97 tỷ USD giá trị vốn hóa. Tổng cộng 2 phiên vừa qua chỉ số Nasdaq 100 giảm 7%.
Bên cạnh Apple và nhóm cổ phiếu năng lượng đã rơi vào thị trường giá xuống, cổ phiếu công ty sinh học, truyền thông, vận tải, hàng hóa đều đang rơi vào giai đoạn điều chỉnh.
Cơn bán tháo các tài sản rủi ro nhất tăng tốc sau khi số liệu công bố hôm qua cho thấy hoạt động sản xuất của Trung Quốc bị thu hẹp với chỉ số PMI ở mức thấp nhất 6 năm, nhấn mạnh những thách thức mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang gặp phải.
Chỉ số MSCI All-Country World Index giảm 2,7% xuống thấp nhất kể từ tháng 10/2014. Chỉ số MSCI Emerging Markets Index mất 2,2% khi ringgit Malaysia và won Hàn Quốc dẫn đầu đà lao dốc của các đồng tiền mới nổi. Giới đầu tư đang tìm kiếm tài sản an toàn như yên - tăng giá ngày thứ 3 liên tiếp so với USD - hay vàng.
Thị trường châu Âu cũng bước vào đợt điều chỉnh, khi Stoxx Europe 600 Index giảm 3,3% khi cơn bán tháo lan sang thị trường châu Âu. Giảm đến 6,5%, chỉ số này ghi nhận tuần tồi tệ nhất kể từ năm 2011.
"Đà bán tháo tuần này xuất phát từ việc Trung Quốc phá giá nhân dân tệ, làm dấy lên nghi ngờ về sức khỏe thực sự của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Chỉ số PMI của Trung Quốc suy yếu càng như đổ thêm dầu vào lửa", Hertta Alava, phụ trách thị trường mới nổi tại FIM Asset Management cho biết.
Giá dầu Mỹ lần đầu tiên trong hơn 6 năm rơi xuống dưới 40 USD/thùng do lo ngại tình trạng dư cung toàn cầu sẽ kéo dài. Tháng 7, tốc độ bơm dầu của Mỹ đạt cao nhất kể từ năm 1920, theo số liệu của Viện Dầu mỏ Mỹ (API).
Giá đồng kéo dài chuỗi giảm điểm dài nhất kể từ tháng 1, trong khi một loạt các hàng hóa khác như nhôm, chì, nickel và kẽm cũng đồng loạt giảm.
Nhật Trường
Nguồn Bloomberg