Hơn 30 tỷ USD tháo chạy khỏi các quỹ thị trường tiền tệ toàn cầu
Theo đó, nhà đầu tư toàn cầu đã rút tới 32 tỷ USD khỏi các quỹ thị trường tiền tệ trong tuần kết thúc ngày 20/02, mức thất thoát nặng nề nhất trong gần 35 tuần. Đáng chú ý, các quỹ thị trường tiền tệ Mỹ bị rút đến 25.8 tỷ USD, mức cao nhất kể từ giữa 2011.
Ngược lại, các quỹ đầu tư cổ phiếu đón nhận thêm 8.58 tỷ USD, bỏ xa mức 1.8 tỷ USD trong tuần trước. Trong đó, các quỹ đầu tư nắm giữ cổ phiếu Mỹ hút ròng 2.24 tỷ USD, ngược với mức rút ròng 3.62 tỷ USD trong tuần liền trước.
Dòng vốn cũng tiếp tục đổ vào các quỹ đầu tư cổ phiếu thị trường mới nổi với 2.2 tỷ USD, đánh dấu tuần hút ròng thứ 24 liên tiếp. Tương tự, các quỹ đầu rư cổ phiếu châu Âu tiếp nhận thêm 1.46 tỷ USD, cao hơn so mức 38 triệu USD trong tuần trước đó.
Ông Cameron Brandt, Giám đốc Nghiên cứu EPFR Global, nhận định: “Tôi nhận thấy một lượng tiền mới tương đối lớn đang đổ vào cổ phiếu”. Sự dịch chuyển của dòng vốn từ kênh đầu tư trái phiếu sang cổ phiếu đã trở thành đề tài thu hút được nhiều tranh luận trong năm nay. Mối quan tâm đối với cổ phiếu là một thước đo quan trọng về niềm tin của nhà đầu tư và cảm nhận của nhà đầu tư về đà tăng trưởng của nền kinh tế.
Thị trường cổ phiếu tăng vọt khi các ngân hàng trung ương lớn liên tục tung ra biện pháp hỗ trợ tiền tệ dành cho các nền kinh tế khó khăn. Động thái bơm thanh khoản này đã gia tăng nhu cầu đầu tư vào các tài sản rủi ro.
Bên cạnh đó, niềm tin ngày càng cao vào triển vọng tăng trưởng kinh tế cũng đang thu hút nhà đầu tư tham gia vào thị trường. Từ đầu năm đến nay, S&P 500 tăng 5.68%.
Kênh đầu tư trái phiếu tiếp tục hấp dẫn khi có tới 3.47 đổ vào các quỹ này, cao hơn mức 2.58 tỷ USD trong tuần trước. Riêng các quỹ trái phiếu của Mỹ nhận 1.77 tỷ USD, có phần thấp hơn mức 2.28 tỷ USD so với tuần trước. Các quỹ đầu tư trái phiếu lợi suất cao cũng tiếp nhận 135 triệu USD, trái với mức thất thoát 207 triệu USD trong tuần kết thúc ngày 13/02.
Nguồn Vietstock