Thứ Bảy | 29/12/2012 11:11

Hơn 152 tỷ USD rút khỏi thị trường chứng khoán Mỹ năm 2012

Theo báo cáo của EPFR, tuy thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh kể từ năm 2009 nhưng các nhà đầu tư cá nhân đã rút khỏi thị trường chứng khoán nước này hàng trăm tỷ USD trong năm thứ 3 liên tiếp.

Cụ thể, trong 11 tháng đầu năm 2012, S&P 500 tăng khoảng 13% nhưng các nhà đầu tư cá nhân đã rút khoảng 152 tỷ USD khỏi thị trường chứng khoán Mỹ. Trong khi đó, nhà đầu tư tổ chức – chẳng hạn như các quỹ đầu cơ và quỹ hưu trí – lại đổ hơn 80 tỷ USD vào cổ phiếu.

Trong khi đó, số liệu của EPFR Global cho thấy, trong tuần kết thúc vào ngày 26/12, luồng vốn đổ vào các thị trường chứng khoán mới nổi đạt 424 triệu USD. Cũng trong thời gian này, các quỹ đầu tư thị trường mới nổi thu hút được 2,16 tỷ USD, nâng dòng vốn cả năm lên 47,45 tỷ USD và quỹ chứng khoán châu Âu thu hút được 913 tỷ USD, chiếm hầu hết trong số 3,6 tỷ USD chảy vào các quỹ đầu tư trên toàn thế giới, EPFR cho biết.

Tiền đổ vào các quỹ thị trường trái phiếu mới nổi đạt 55,6 tỷ USD, gấp 3,5 lần so với 15,9 tỷ USD trong năm 2011 và đạt mức cao nhất từ trước đến nay.

Xu hướng tiền đổ vào thị trường trái phiếu mới nổi là do lo ngại của các nhà đầu tư về kinh tế toàn cầu và cuộc khủng hoảng khu vực đồng euro (eurozone). Bên cạnh đó, trái phiếu ở các thị trường mới nổi mang lại lợi suất cao hơn nhiều so với trái phiếu ở hầu hết các nước phát triển.

"Xu hướng này là sự kết hợp của việc tìm kiếm trái phiếu lợi suất cao, tốc độ tăng trưởng hấp dẫn và hệ thống tài chính ở các thị trường mới nổi cũng như kỳ vọng của các nhà đầu tư về việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiến hành đợt nới lỏng định lượng tiếp theo", giám đốc nghiên cứu Cameron Brandt tại EPFR cho biết.

Trong những tuần gần đây, dòng vốn đổ vào trái phiếu phát hành bằng đồng nội tệ của các thị trường chứng khoán mới nổi cũng có xu hướng tăng, do các nhà đầu tư kỳ vọng đồng nội tệ của các thị trường này sẽ có diễn biến tốt trong năm 2013.

Nguồn WSJ/Khampha


Sự kiện