Thứ Bảy | 16/06/2012 09:27

Hội nghị thượng đỉnh G20 bàn cách giải quyết khủng hoảng châu Âu

Tăng trưởng kinh tế, cuộc khủng hoảng eurozone, cải cách hệ thống tài chính toàn cầu vẫn là những chủ đề chính tại hội nghị thượng đỉnh G20 lần này.
Các nhà lãnh đạo của nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20) sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh tại thành phố Los Cabos (Mexico) vào tuần tới, khiến tất cả mọi người dân trên thế giới đều lo lắng chờ đợi những giải pháp nào sẽ được đưa ra đối với 1 nền kinh tế toàn cầu chưa đủ mạnh.

Mexico (nước chủ nhà): Tăng trưởng kinh tế là ưu tiên hàng đầu

Ngoại trưởng Mexico Patricia Espinosa cho rằng chủ đề quan trọng nhất của hội nghị lần này là làm thể nào để phục hồi và tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo G20 cũng sẽ tập trung củng cố các tổ chức tài chính quốc tế, khuyến khích phát triển bền vững, cải thiện nguồn cung năng lượng và đối phó với vấn đề biến đổi khí hậu.

Trung Quốc: Tăng trưởng và ổn định

Kể từ hội nghị thượng đỉnh G20 đầu tiên, Trung Quốc đã đóng một vai trò tích cực và có tính xây dựng trong việc hợp tác với các nước thành viên G20 nhằm đối phó với khủng hoảng tài chính quốc tế và tăng cường quản lý kinh tế toàn cầu.

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Khôi Thiên Khải nỗ lực của Trung Quốc trong việc chuyển đổi mô hình phát triển, điều chỉnh cơ cấu kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế nhanh và ổn định sẽ là đóng góp to lớn vào nền kinh tế thế giới đang ảm đạm.

Nga: Cải cách hệ thống tài chính toàn cầu

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết các thoả thuận đã đạt được tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở thành phố Cannes (Pháp) năm ngoái nên được thực hiện, trong đó bao gồm cả việc hoàn thành cải cách Quỹ tiền tệ quốc tế.

Ngoại trưởng Nga hy vọng Mexico, nước chủ nhà của hội nghị thượng đỉnh, có thể đưa ra các đề xuất cải cách hệ thống kinh tế và tài chính toàn cầu, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới ổn định và bền vững.

Theo văn phòng báo chí của tổng thống Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ gặp gỡ với người đồng cấp Mỹ Barack Obama bên lề hội nghị thượng đỉnh. Đây là lần đầu tiên 2 nhà lãnh đạo gặp nhau kể từ khi Tổng thống Putin trở lại điện Kremlin vào tháng trước. Hai nhà lãnh đạo có thể sẽ ký một loạt các thỏa thuận quan trọng.

Mỹ: Cuộc khủng hoảng nợ châu Âu

Hội nghị thượng đỉnh lần này sẽ thảo luận về mọi biện pháp nhằm "tăng trưởng ổn định, mãnh mẽ và cân bằng dựa trên các quy định tài chính", Michael Froman, Phó cố vấn an ninh quốc gia về vấn đề kinh tế quốc tế của Mỹ cho biết.

Ông cho rằng cuộc khủng hoảng khu vực đồng euro vẫn là "vấn đề lớn nhất" cần giải quyết đối với nền kinh tế toàn cầu hiện nay, và dự kiến các nhà lãnh đạo G20 sẽ dành nhiều thời gian để thảo luận về vấn đề này.

Liên minh châu Âu (EU): 4 ưu tiên

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso trong một bức thư chung gửi đến các nhà lãnh đạo 27 nước thành viên, cho rằng EU nên tập trung vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và việc làm, củng cố cấu trúc tài chính quốc tế, có những bước tiến bộ đáng kể về cải cách thị trường tài chính, đồng thời giải quyết vấn đề an ninh lương thực và thúc đẩy phát triển.

Các nhà lãnh đạo EU cũng sẽ kêu gọi các quốc gia G20 khác đấu tranh chống bảo hộ và tăng cường hơn nữa hệ thống thương mại đa phương. Tình trạng bảo hộ thương mại gia tăng hiện nay là cần phải được quan tâm và tăng cường cơ chế giám sát, 2 nhà lãnh đạo EU cho biết thêm.

Đức: Khủng hoảng nợ khu vực đồng euro là chủ đề trọng tâm

Chính phủ Đức cho rằng hội nghị thượng đỉnh thảo luận sâu hơn về khủng hoảng nợ trong khu vực đồng euro và tập trung vào các vấn đề liên quan đến phục hồi và tăng trưởng kinh tế toàn cầu, bao gồm cả việc cải thiện tình trạng thâm hụt tài chính của Mỹ.

Đức cho rằng hội nghị thượng đỉnh cũng nên thảo luận về cải cách cơ cấu kinh tế ở các thị trường mới nổi, giải quyết vấn đề bảo hộ thương mại và cải thiện môi trường đầu tư vĩ mô toàn cầu.

Nhật Bản: Cần có "thông điệp mạnh mẽ"

Noriyuki Shikata, phát ngôn viên của Chính phủ Nhật Bản, cho biết cuộc khủng hoảng nợ khu vực đồng euro và sự cần thiết để duy trì an ninh tài chính toàn cầu sẽ là chủ đề chính tại hội nghị thượng đỉnh. Ông cũng cho rằng các nhà lãnh đạo G20 cần có "thông điệp mạnh mẽ" để ổn định lòng tin thị trường.

Nhật Bản tin rằng lĩnh vực tài chính của EU nên đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống khủng hoảng tài chính và hội nghị thượng đỉnh sẽ góp phần chống chủ nghĩa bảo hộ và thúc đẩy phát triển bền vững.

Brazil: Phối hợp hành động giữa các nền kinh tế

Tổng thống Brazil Dilma Rousseff cho biết Brazil sẽ khuyến khích các nền kinh tế phát triển và mới nổi tại hội nghị thượng đỉnh hợp tác nhằm thúc đẩy ổn định và tăng trưởng kinh tế. Nữ tổng thống Rousseff cũng nói thêm rằng thế giới không thể mong đợi các nền kinh tế mới nổi tự mình giải quyết các khó khăn hiện nay.

Nguồn Tân Hoa Xã/DVT


Sự kiện