Hội nghị Geneva 2 luôn đối mặt với thất bại
Vòng đàm phán thứ hai trong khuôn khổ Hội nghị Geneva 2 về vấn đề Syria, kéo dài hết ngày 13/2, song dường như đã thất bại do bất đồng của các bên xung đột. Khi cuộc chiến vẫn đang diễn ra bên trong lãnh thổ quốc gia Trung Đông này, vấn đề cứu trợ nhân đạo đang được đặt lên hàng đầu với nỗ lực của Liên Hợp Quốc và các bên liên quan, đặc biệt là Nga và Mỹ.
Tình hình chiến sự tại Syria vẫn đang diễn ra ác liệt với các cuộc không kích từ phía quân Chính phủ và các cuộc giao tranh trên bộ giữa hai bên làm số người thiệt mạng tăng cao. Theo Cơ quan Giám sát Nhân quyền Syria, mỗi ngày có tới 236 người thiệt mạng kể từ khi Hội nghị Geneva 2 bắt đầu tháng 1/2014.
Hội nghị Geneva II tổ chức ở Thụy Sỹ rơi vào bế tắc (Ảnh: Press Tv) |
Tại thành phố Homs - nơi quân Chính phủ đang bao vây các quận do lực lượng đối lập chiếm giữ trong hơn 18 tháng qua, Thị trưởng Tal al-Barazi cho biết, các hoạt động nhân đạo đã ngừng trệ, song lệnh ngừng bắn có thể được kéo dài đến đêm 15/2 để nối lại hoạt động nhân đạo từ ngày 14/2. Còn tại thành phố Aleppo, ít nhất 51 người đã bị thiệt mạng vào13/2 sau khi máy bay chiến đấu của quân Chính phủ tấn công vào các khu vực do phiến quân kiểm soát. Trong khi đó, ở khu vực phía nam nước này, hàng chục người khác cũng bị thiệt mạng ngày 13/2.
Cuộc chiến bên trong lãnh thổ Syria tiếp tục diễn ra ác liệt trong khi các cuộc hòa đàm trong khuôn khổ Hội nghị Geneva 2 ở Thụy Sỹ tiếp tục rơi vào bế tắc. Phát biểu ngày 13/2 sau cuộc gặp với các đại diện của Nga và Mỹ, đặc phái viên Liên Hợp Quốc và Liên đoàn Arab Lakhdar Brahimi đưa ra những nhận xét không lạc quan về các cuộc đàm phán:“Đó là một chủ đề rất phức tạp. Chúng ta luôn cảm nhận thấy sự thất bại. Liên Hợp Quốc đang rất lo ngại tình hình hiện nay, song chúng tôi sẽ không lùi bước nếu có một khả năng thúc đẩy tình hình”.
Nhà trung gian hòa giải của Liên Hợp Quốc và Liên đoàn Arab cho biết Nga và Mỹ cam kết hỗ trợ để khai thông bế tắc trong tiến trình hòa đàm. Tuy nhiên, ông thừa nhận, cho đến thời điểm này, hòa đàm vẫn chưa đạt tiến bộ và Hội nghị Geneva 2 luôn đối mặt với thất bại. Các đại diện Liên Hợp Quốc, Nga và Mỹ nhóm họp sớm hơn một ngày so với dự định sau khi các đoàn đại diện Chính phủ và phe đối lập Syria trong toàn bộ thời gian hội nghị đã đổ lỗi lẫn nhau gây bạo lực leo thang ở nước này và tiếp tục nhắc lại lập trường của mình. Hai bên không đối thoại trực tiếp trong ngày 13/2 như đã cam kết, thay vào đó tuyên bố chỉ gặp riêng rẽ với ông Brahimi ngày 14/2.
Trong lúc này, vấn đề cứu trợ nhân đạo được đặt lên hàng đầu khi mà hàng nghìn người dân đang mắc kẹt trong các khu vực xung đột. Người đứng đầu các hoạt động nhân đạo của Liên Hợp Quốc, bà Valerie Amos ngày 13/2 thúc giục Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc thúc đẩy hoạt động cứu trợ nhân đạo ở Syria, đồng thời cho rằng, trong cuộc xung đột hiện nay, tất cả các bên ở Syria đều vi phạm luật nhân đạo quốc tế: “Tôi đã báo cáo với Hội đồng bảo an rằng, 4 tháng qua, tất cả các bên xung đột đều vi phạm Luật nhân đạo quốc tế và đó là điều không thể chấp nhận được. Tất cả các bên đã thất bại trong việc bảo vệ dân thường”.
Sau khi bác bỏ bản dự thảo về vấn đề cứu trợ nhân đạo cho Syria do một số nước phương Tây và Arab soạn thảo, vì cho rằng không phù hợp tình hình thực tế, Nga đã đưa ra một bản dự thảo mới. Giải thích về bản dự thảo này, ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov phát biểu tại Geneva cho biết: “Nếu các đối tác của chúng tôi cho rằng Hội đồng bảo an phải hành động để giải quyết vấn đề nhân đạo, chúng tôi chuẩn bị một dự thảo của chúng tôi để sẵn sàng thảo luận tại Hội đồng bảo an.
Ông Sergei Lavrov nói thêm: “Dự thảo đó không chỉ là sửa đổi dự thảo của Luxembourg, Australia và Jordan, mà còn bao gồm quan điểm của chúng tôi về một vai trò của Hội đồng bảo an. Chúng tôi muốn làm sâu sắc bản nghị quyết để giải quyết các vấn đề, chứ không phải phản đối bên này hay bên kia”.
Phía Nga cho biết, dự thảo nghị quyết về vấn đề viện trợ cho người dân Syria mà nước này đề xuất lên Hội đồng Bảo an sẽ không bao gồm các đe dọa áp đặt biện pháp trừng phạt lên Chính phủ Syria. Ngoại trưởng Nga cũng kêu gọi một nghị quyết lên án các hành động khủng bố, đồng thời nhấn mạnh những lo ngại về sự hiện diện ngày càng tăng của các nhóm khủng bố tại Syria. Đây cũng là chủ đề mà phái đoàn đàm phán của Chính phủ Syria yêu cầu được ưu tiên thảo luận tại Hội nghị Geneva trước khi bàn thảo đến bất kỳ vấn đề nào khác./.
Ngọc Khương/VOV online
(Tổng hợp)
Nguồn vov.vn