Thứ Hai | 16/04/2012 09:35

Hội nghị G20 đối mặt với hàng loạt vấn đề nan giải

Các nền kinh tế đang chậm lại, Mỹ mất đà phục hồi, châu Âu chưa thể củng cố liên minh tiền tệ là những vấn đề nan giải tại hội nghị G20.
Tình hình thế giới hiện tại đã tạo nên một khung cảnh không mấy lạc quan cho các quan chức từ các nền kinh tế hàng đầu thế giới. Lãnh đạo G20 sẽ nhóm họp tại Washington trong tuần này với lãnh đạo Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) bàn về các vấn đề kinh tế toàn cầu.

Giám đốc IMF, bà Christine Lagarde, khẳng định rủi ro vẫn còn cao và tình kinh tế vẫn còn rất mong manh.

Bên cạnh đó, các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc và Brazil đang dần chậm lại. Triển vọng phục hồi của Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, cũng trở nên xa vời khi báo cáo mới đây cho thấy số việc làm của nước này giảm trong tháng 3

Thị trường chứng khoán tăng mạnh trong vài tháng qua đã cứu châu Âu thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính lớn. Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cũng bơm tiền mạnh vào thị trường nợ, Hy Lạp đạt được thỏa thuận cơ cấu lại nợ. Italia, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha quyết tâm theo đuổi những cải cách khó khăn về ngân sách.

Tuy nhiên, tất cả những động thái này chỉ giúp mang đến sự an tâm tạm thời đối với nền kinh tế.

Nhiều nhà phân tích nhận xét các nhà lãnh đạo châu Âu áp đặt quá gấp gáp các chính sách cắt giảm ngân sách đối với các thành viên đang chìm trong nợ nần của mình, khiến tăng trưởng kinh tế khu vực bị bóp nghẹt. Điều này khiến khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) cáng dễ bị tổn thương.

Trong thời gian qua, lãnh đạo châu Âu thực hiện được hai bước tiến quan trọng đó là đồng ý thiết lập khuôn khổ ngân sách cho các thành viên EU và xây dựng quỹ giải cứu 930 tỷ USD để ngăn ngừa khủng hoảng lan rộng.

Tuy nhiên, WB và IMF cho rằng nếu châu Âu muốn phá vỡ vòng luẩn quẩn và ngăn ngừa cơn bão tài chính lây lân, họ cần phải có một lộ trình rõ ràng hướng đến hội nhập tài chính khu vực đồng euro trong trung hạn, và ECB tiếp tục giữ lãi suất thấp trong ngắn hạn.

Hiện tại, IMF đang mong muốn có được khoản đóng góp trị giá 600 tỷ USD từ các thành viên. Tuy nhiên, yêu cầu trên dường như rất khó để đạt được khi các nền kinh tế mới nổi đang ra sức đòi hỏi quyền bỏ phiếu lớn hơn, tương xứng vứi sức mạnh kinh tế của họ tại IMF.

Nguồn Reuters/DVT


Sự kiện