Thứ Hai | 04/06/2012 14:50

Hoạt động cho vay xuyên quốc gia giảm mạnh nhất từ 2008

Quy mô các khoản vay qua biên giới đang thu hẹp với tốc độ nhanh nhất kể từ khủng hoảng tài chính năm 2008 sau khi Lehman Brothers sụp đổ.
Theo dữ liệu công bố hôm 3/6 của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), các ngân hàng trên toàn cầu cho biết các khoản cho vay qua biên giới của họ cho các công ty, chính phủ và giữa các ngân hàng với nhau đã giảm 799 tỷ USD, tương đương 2,5% trong quý IV năm 2011, kết thúc vào ngày 31/12. Đây là đợt giảm mạnh nhất kể từ quý IV năm 2008.

Trong báo cáo của mình, BIS nhận định: "Sự suy giảm này dẫn đầu bởi sự suy yếu trong các khoản vay liên ngân hàng do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng nợ khu vực đồng euro (eurozone)."

Các ngân hàng châu Âu đang sắp xếp lại các bảng cân đối nhằm đáp ứng yêu cầu về vốn của Cơ quan ngân hàng Châu Âu (EBA) và Uỷ ban Basel về giám sát ngân hàng. Các ngân hàng nước ngoài cũng cắt giảm các khoản vay cho các ngân hàng châu Âu do lo ngại cuộc khủng hoảng nợ tại eurozone có nguy cơ lây lan và một đợt khan hiếm tín dụng có thể tiếp tục làm tê liệt nền kinh tế của liên minh tiền tệ này.

Italia và Tây Ban Nha là hai nước bị cắt giảm các khoản vay qua biên giới nhiều nhất, tương ứng giảm 57 tỷ USD và 46 tỷ USD, tương đương 10% và 9%. Các ngân hàng cũng giảm cho vay 104 tỷ USD cho các ngân hàng Đức, hay 9%, các ngân hàng Pháp cũng bị cắt giảm 4%, hay 55 tỷ USD.

Các khoản vay dành cho Hy Lạp cũng tiếp tục giảm trong quý này. Cuối năm 2011, các khách hàng đi vay của Hy Lạp chỉ nhận được 96,3 tỷ USD, bằng một nửa so với năm 2010.

Tại các thị trường mới nổi, các khoản vay qua biên giới cũng giảm mạnh trong quý này, BIS cho biết. Số tiền dành cho các thị trường mới nổi giảm 75 tỷ USD, hay 2,4%. Khu vực châu Á Thái Binh Dương, đặc biệt là các ngân hàng Trung Quốc, chiếm 91% trong các khoản tín dụng qua biên giới bị cắt giảm.

Nguồn Bloomberg/DVT


Sự kiện