Thứ Năm | 05/06/2014 21:11

Hoạt động cho vay hợp vốn siêu lớn trở lại châu Á nhờ M&A

Lần gần nhất châu Á có khoản vay hợp vốn lớn chưa từng thấy là khi Bill Clinton vẫn còn là Tổng thống Mỹ và iPod còn chưa được phát minh.
Theo Bloomberg, giá trị của các thỏa thuận trung bình ở khu vực châu Á Thái Bình Dương, trừ Nhật Bản, đạt 372 triệu USD trong 5 tháng đầu năm 2014 và ghi nhận mức cao nhất kể từ năm 2000. Nguyên nhân là, 4 doanh nghiệp vay nợ hàng đầu, gồm công ty điều hành sòng bạc ở Macau - Sands China, tập đoàn dầu mỏ và khí đốt của Malaysia SapuraKencana Petroleum, vừa ký kết một khoản nợ hơn 20 tỷ USD.

Các doanh nghiệp phát triển mạnh ở châu Á đang tận dụng mức lãi biên (chênh lệch) giữa lãi suất ngân hàng và lãi suất cho vay xuống thấp nhất trong 4 năm để duy trì phát triển thông qua hoạt động mua lại và tái cấp vốn cho những doanh nghiệp vẫn còn nợ. Theo số liệu của Bloomberg, giá trị của hoạt động mua lại và sáp nhập (M&A) tại khu vực châu Á Thái Bình Dương tăng 60% lên 325,6 tỷ USD tính đến thời điểm hiện tại của năm 2014, đẩy giá trị của các khoản vay hợp vốn trong 5 tháng đầu năm lên 161 tỷ USD - mức cao nhất kể từ năm 2011.

Trong suốt năm 2000, giá trị của các khoản vay hợp vốn chỉ đạt 54 tỷ USD, trong đó, khoản vay hợp vốn lớn nhất (12 tỷ USD) là của tập đoàn Doncaster nhằm cấp vốn cho đợt mua lại tập đoàn Viễn thông Hồng Kông.

Theo Bloomberg đưa tin, tại khu vực châu Á Thái Bình Dương, khoản nợ trị giá 14,2 tỷ USD hiện đang được rao bán, trong đó, 7,8 tỷ USD đang trong quá trình đàm phán.

Atul Sodhi, chủ tịch Hiệp hội thị trường nợ châu Á Thái Bình Dương cho rằng, trong tương lai, các doanh nghiệp châu Á sẽ tiếp tục thực hiện các vụ mua lại xuyên biên giới, đặc biệt là Trung Quốc.

Trong khi hoạt động M&A tại Malaysia và Thái Lan giảm trong 5 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái, giá trị các thương vụ của Trung Quốc tăng 74% lên 117,5 tỷ USD, của Úc tăng 150% lên 62,5 tỷ USD và của Hồng Kông tăng hơn 3 lần lên 23,6 tỷ USD.

Trong 5 tháng đầu năm 2014, chi phí đi vay trung bình đối với nợ ở Hồng Kông giảm 75 điểm cơ bản xuống 166 điểm cơ bản so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu của Bloomberg. Tính cả khu vực châu Á Thái Bình Dương, chi phí đi vay giảm 64 điểm cơ bản xuống 182 điểm cơ bản - mức thấp nhất kể từ năm 2010.

Nguồn Theo DVO/ Bloomberg


Sự kiện