Tintoria Martelli, một nhà máy nhuộm vải ở Vaiano, Ý. Ảnh: The Wall Street Journal.
Hóa đơn năng lượng "đè nặng" lên ngành may mặc châu Âu
Cuộc khủng hoảng năng lượng đã khiến các nhà máy thép và lò luyện nhôm đóng cửa trên khắp châu Âu, “nỗi đau” này hiện lan sang cả ngành công nghiệp thời trang của châu lục.
Hàng nghìn nhà máy và xưởng sản xuất cho các thương hiệu như Gucci và H&M đang chứng kiến mô hình kinh doanh của mình sụp đổ, trong bối cảnh giá điện và khí đốt tự nhiên tăng cao, sau khi Nga tấn công Ukraine và quyết định giảm dòng khí đốt sang EU. Chi phí năng lượng đã tăng từ khoảng 5% chi phí sản xuất lên khoảng 25%, làm giảm tỉ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp dệt may, theo dữ liệu từ tập đoàn thương mại hàng dệt may châu Âu Euratex.
Các doanh nghiệp dệt may cho biết, giá năng lượng đã tăng cao đến mức các nhà nhà cung cấp năng lượng lo không nhận được các khoản thanh toán, buộc những doanh nghiệp này phải ứng trước tiền mặt hoặc nộp tiền đảm bảo thông qua ngân hàng, để trang trải các hóa đơn năng lượng dự kiến trong nhiều tháng. Tại Ý, quốc gia có ngành dệt may lớn nhất châu Âu, nhiều doanh nghiệp cho biết họ không thể thực hiện các thỏa thuận mua năng lượng giúp tránh tình cảnh biến động giá trong ngắn hạn như trước đây được nữa.
Ý và một số quốc gia Nam Âu khác đã yêu cầu Liên minh châu Âu (EU) áp trần giá khí đốt bán buôn ở tất cả các nước thành viên, một biện pháp mà Đức và Hà Lan phản đối. Ủy ban châu Âu, cơ quan điều hành của EU, cũng đã đưa ra đề xuất áp trần khẩn cấp đối với giá khí đốt trên sàn giao dịch lớn nhất trong khối.
Hiện tại, “nỗi đau” đang chạy xuyên suốt chuỗi cung ứng, từ những người thợ kéo sợi, thợ dệt cho đến thợ nhuộm. Tất cả trong số họ đều sử dụng công cụ, máy móc cần đến khí đốt hoặc điện để vận hành.
Ông Fabio Reali, người điều hành Tintoria Martelli, cho biết chi phí khí đốt tự nhiên thiết yếu để vận hành máy móc đã tăng mạnh. |
Rất khó để những doanh nghiệp sản xuất vải “đùn đẩy” chi phí sang người mua. Nhiều doanh nghiệp có nghĩa vụ phải giao hàng theo giá đã thỏa thuận từ nhiều tháng trước đó. Chi phí tăng cao có thể buộc nhiều doanh nghiệp dệt may châu Âu dịch chuyển khâu sản xuất khỏi khu vực này, đến những nước có giá năng lượng thấp hơn. Hệ quả sẽ là nguy cơ mất việc làm của 1,3 triệu lao động dệt may trong EU.
Ông Alberto Paccanelli, người điều hành một công ty sản xuất hàng dệt may ở miền Bắc nước Ý, đã vô cùng sửng sốt khi hóa đơn năng lượng tháng 7 của ông tăng vọt lên 660.000 euro, tương đương khoảng 650.000 USD, từ mức 90.000 euro một năm trước đó.
Theo các nhà cung cấp, một số thương hiệu đã chuyển sản xuất sang các nước khác, bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ, nơi chi phí sản xuất thấp hơn thay vì phải chịu thêm chi phí ở các nước như Ý. Nga vẫn đang cung cấp khí đốt và dầu cho Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Enrico Gatti, một nhà cung cấp len cho Zara, H&M và các thương hiệu khác, cho biết đơn đặt hàng đã giảm 50% trong năm nay đối với doanh nghiệp của ông nói riêng và các nhà sản xuất dệt khác xung quanh thị trấn Prato, một trung tâm dệt may lớn của Tuscan, nói chung.
Nhu cầu tiền mặt từ các nhà cung cấp khí đốt đã làm gia tăng áp lực tài chính đối với các nhà máy như Tintoria Martelli. |
Các vấn đề của ngành đang tạo ra sự chia rẽ mới giữa các quốc gia, một bên là các quốc gia EU đang triển khai các biện pháp nhằm bảo vệ doanh nghiệp trong nước khỏi giá khí đốt tăng vọt và một bên là những nước không có đủ khả năng để làm được việc đó. Đức đã công bố loạt biện pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt khủng hoảng năng lượng, và các biện pháp này dự kiến sẽ tiêu tốn của Chính phủ Đức gần 300 tỉ euro, bao gồm áp trần giá lên điện và khí đốt. Pháp dự kiến chi 100 tỉ euro cho các biện pháp tương tự.
Ý không có đủ tiềm lực tài chính cho các biện pháp kể trên. Nước này đang gánh khoản nợ quốc gia tương đương 150% tổng sản lượng quốc nội, và ông Giorgia Meloni, Thủ tướng sắp tới của đất nước, đã tuyên bố sẽ giữ kín chi tiêu công.
Tính đến cuối tháng 9, Ý đã phân bổ 59 tỉ euro, tương đương 3,3% GDP, cho các biện pháp nhằm bảo vệ các doanh nghiệp và hộ gia đình khỏi cuộc khủng hoảng năng lượng, theo nhóm nghiên cứu Bruegel. Đức đã phân bổ 100 tỉ euro, tương đương 2,8% GDP, trong khi Pháp đã chỉ đạo 72 tỉ euro, tương đương 2,9% GDP.
Ông Michael Engelhardt, người đứng đầu chính sách năng lượng của hiệp hội thương mại Textil + Mode có trụ sở tại Berlin, cho biết các công ty dệt may và thời trang của Đức có thể sẵn sàng hưởng lợi từ viện trợ của nhà nước nhiều hơn so với các công ty cùng ngành ở một số nước châu Âu khác, nhưng vẫn phải chạy đua với các ngành công nghiệp khác trong nước.
Nguồn cung cấp khí đốt giá rẻ ổn định của Nga đã giúp các nhà sản xuất trên khắp châu Âu phát triển mạnh trong nhiều thập kỷ, ngay cả khi cạnh tranh ở nước ngoài gia tăng. Tỷ trọng xuất khẩu dệt may toàn cầu của châu Âu đã giảm trong 20 năm qua, trong khi của Trung Quốc đã tăng gấp bốn lần lên hơn 40% vào năm 2020, cao hơn gấp đôi so với thị phần năm 2020 của EU, theo số liệu gần đây nhất của Tổ chức Thương mại Thế giới.
Có thể bạn quan tâm:
Giải mã hiện tượng nhà đất giá 1 euro trên khắp nước Ý
Nguồn The Wall Street Journal