Hiệu ứng “Thượng Hải” trên sàn chứng khoán Trung Quốc
Giá của các cổ phiếu có tên đi kèm “Thượng Hải” tăng mạnh kể từ cuối tháng 8 khiến vốn hóa thị trường của các công ty này tăng thêm 45 tỷ USD, thậm chí lớn hơn tổng vốn hóa của thị trường chứng khoán Việt Nam. Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc nhờ đó cũng phục hồi từ mức thấp nhất 4 năm thiết lập vào tháng 6 vừa qua. Chỉ số này giảm 29% trong 4 năm trở lại đây khiến vốn hóa thị trường bốc hơi khoảng 160 tỷ USD do kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại.
Hiệu ứng “Thượng Hải” diễn ra khá mạnh khi thị trường kỳ vọng vào sự ra đời của khu thương mại tự do Thượng Hải – một trong những nỗ lực của chính phủ Trung Quốc nhằm tự do hóa giao dịch nhân dân tệ. Ngân hàng Barclays dự đoán, khu thương mại tự do sẽ giúp Thượng Hải trở thành một trung tâm tài chính và vận tải biển toàn cầu.
Tuy nhiên, ngân hàng Julius Baer cho rằng sự tăng giá này là không có nhiều căn cứ bởi chính phủ Trung Quốc vẫn chưa thông báo cụ thể kế hoạch cho khu thương mại tự do, hơn nữa, phải mất nhiều năm mới thấy được hiệu quả của kế hoạch này.
Andy Xie, cựu chuyên gia kinh tế của World Bank, người từng cảnh báo bong bóng chứng khoán Trung Quốc năm 2007 trước khi chỉ số Shanghai Composite giảm kỷ lục 65% một năm sau đó, cho rằng, giá cổ phiếu tăng do thông tin khu thương mại tự do là một hiện tượng của đầu cơ và có thể là dấu hiệu của bong bóng.
“Khu thương mại tự do phải mất một thời gian dài để phát triển do đó lợi nhuận doanh nghệp cũng cần nhiều năm nữa mới cho thấy tác động”, ông Andy Xie nói.
Nguồn Bloomberg/Dân Việt