Henry Kissinger viết về Lý Quang Diệu
Sau khi vị Thủ tướng đầu tiên của Singapore Lý Quang Diệu từ giã cõi đời hôm 23/3, nhà ngoại giao kỳ cựu Henry A. Kissinger, người đã giữ cương vị Ngoại trưởng Mỹ trong thời gian từ 1973-1977, đã có những dòng tưởng niệm đáng chú ý “The world will miss Lee Kuan Yew” (tạm dịch: “Thế giới sẽ nhớ đến Lý Quang Diệu”), đăng trên tờ Washington Post.
Lý Quang Diệu là một con người vĩ đại. Tôi xem việc có ông là một người bạn thân thiết như một trong những điều may mắn nhất trong cuộc đời mình. Một thế giới đang cần chắt lọc trật tự từ sự hỗn độn manh nha sẽ nhớ tới sự lãnh đạo của Lý Quang Diệu.
Lý Quang Diệu bắt đầu xuất hiện trên trường quốc tế với tư cách là người sáng lập nên nhà nước Singapore, khi đó còn là một thành phố với khoảng 1 triệu dân. Dần dần, ông trở thành một chính khách tầm cỡ thế giới, một nhân vật đáng để các nhà lãnh đạo toàn cầu học hỏi.
Ban đầu, có vẻ như số phận không trao cho Lý Quang Diệu cơ hội đạt được những điều lớn lao hơn chút thành công khiêm tốn ở tầm địa phương. Ở thời kỳ đầu tiên sau khi thực dân Anh chấm dứt cai trị Singapore, đảo quốc này trở thành một phần của Liên bang Malaysia.
Không lâu sau, Singapore bị đẩy ra khỏi Malaysia do căng thẳng giữa một bên là người Hoa chiếm phần đông dân số Singapore và một bên là người Malay của liên bang.
Chính việc bị buộc phải rời Liên bang Malaysia đã dạy cho Singapore bài học về sự lệ thuộc. Khi đó, Malaysia hiển nhiên tin rằng, thực tế sẽ khiến Singapore phải từ bỏ tinh thần độc lập của mình.
Nhưng những con người vĩ đại luôn có tầm nhìn sáng suốt, vượt qua khỏi những toan tính vật chất. Lý Quang Diệu đã gạt đi những lý lẽ thông thường và chọn lấy địa vị quốc gia. Lựa chọn này của ông phản ánh một niềm tin sâu sắc vào những đức tính quý báu của người dân Singapore.
Ông tin chắc rằng, một thành phố hầu như không có nguồn tài nguyên kinh tế nào để dựa vào, và hoạt động chính trước kia là căn cứ hải quân của thực dân, vẫn có thể phát triển thịnh vượng và đạt một vị thế quốc tế, bằng cách dựa vào tài sản chính của mình: trí tuệ, sự cần cù và tận tụy của người dân.
Một nhà lãnh đạo tầm cỡ đưa đất nước đi từ điểm khởi đầu tới vị trí mà đất nước đó chưa từng đạt tới bao giờ, mà thực chất là một vị trí mà đất nước đó thậm chí không thể tưởng tượng ra.
Bằng cách đặt trọng tâm vào giáo dục chất lượng, diệt trừ tham nhũng, và cai quản dựa vào phẩm chất, Lý Quang Diệu và các đồng nghiệp của ông đã đưa thu nhập bình quân đầu người của người dân Singapore từ mức 500 USD vào thời điểm giành độc lập vào năm 1965 lên mức gần 55.000 USD hiện nay.
Chỉ trong một thế hệ, Singapore đã trở thành một trung tâm tài chính quốc tế, trung tâm trí tuệ số một của Đông Nam Á, nơi tập trung những bệnh viện lớn và hiện đại nhất khu vực, đồng thời là một địa chỉ được ưa thích để tổ chức các cuộc hội thảo và sự kiện quốc tế.
Singapore đã đạt được những thành tích này bằng cách theo đuổi một chủ nghĩa thực dụng đặc biệt: mở ra cơ hội nghề nghiệp cho những tài năng xuất chúng và khuyến khích họ áp dụng những cách làm tốt nhất từ khắp mọi nơi trên thế giới.
Lý Quang Diệu không hô hào, không bao giờ xúc động, và cũng không phải là một chiến binh lạnh lùng, ông là một người hành hương đi tìm trật tự thế giới và sự lãnh đạo có trách nhiệm. Ông hiểu tầm quan trọng của Trung Quốc cũng như tiềm năng to lớn của nước này, và thường đóng góp vào việc làm cho thế giới sáng tỏ về chủ đề này. Nhưng cuối cùng, ông khẳng định rằng, thế giới không thể có ổn định nếu không có nước Mỹ.
Các biện pháp mà Lý Quang Diệu áp dụng trong nước không được nêu trong lý luận hiến pháp hiện nay của Mỹ. Nhưng công bằng mà nói, thì dân chủ dưới thời Tổng thống Thomas Jefferson cũng giống như vậy, với việc nhượng quyền kinh doanh bị hạn chế, có đủ đất đai mới có quyền bỏ phiếu, và tình trạng chiếm hữu nô lệ. Đây không phải là dịp để tranh luận xem liệu có những lựa chọn khác hay không.
Nếu Singapore chọn con đường mà các nhà phê bình chỉ ra, nước này có lẽ đã suy sụp giữa các nhóm dân tộc thiểu số, giống như bài học của Syria ngày nay.
Tôi bắt đầu bài viết này bằng lời đề cập đến tình bạn của tôi với Lý Quang Diệu. Ông ấy không phải là một người thích dùng những ngôn từ cảm xúc. Và ông gần như lúc nào cũng nói đến các vấn đề thực tế. Nhưng người khác có thể cảm nhận được sự tận tâm của ông. Một cuộc nói chuyện với Lý Quang Diệu - con người đã dành cuộc đời để tận tụy cống hiến - là một lá phiếu niềm tin cho cảm nhận đó.
Bi kịch lớn trong cuộc đời Lý Quang Diệu là việc người vợ yêu quý của ông bị đột quỵ và trở thành tù nhân của chính cơ thể mình, không thể giao tiếp với mọi người xung quanh. Trong suốt khoảng thời gian đó, Lý Quang Diệu luôn ở bên giường bệnh của vợ vào mỗi tối để đọc sách cho bà nghe. Ông tin rằng bà hiểu được, cho dù những dấu hiệu cho thấy điều ngược lại.
Có lẽ đó cũng chính là vai trò của Lý Quang Diệu trong thời đại của ông. Ông có cùng một hy vọng cho thế giới của chúng ta.
Ông đã chiến đấu vì những điều tốt đẹp hơn, ngay cả khi bằng chứng chỉ là mơ hồ. Nhưng nhiều người trong chúng ta nghe thấy ông, và sẽ không bao giờ quên ông.
Nguồn VnEconomy