Heineken có thể trả giá cao hơn để thâu tóm Tiger
Trước đó, công ty bia Heineken đề xuất mức giá mua lên 50 đô la Singapore (40 USD) cho mỗi cổ phiếu của APB, tương đương 4,1 tỷ USD cho F & N để giành quyền kiểm soát Tiger và 21 nhà máy bia châu Á.
Fraser and Neave - công ty mẹ của Công ty bia châu Á Thái Bình Dương (APB) là hãng sản xuất bia, đồ uống có ga, các sản phẩm từ sữa cùng các hoạt động khác như xuất bản và in ấn, bất động sản thương mại và cho thuê các căn hộ.
APB, hãng sản xuất nhãn hiệu bia Tiger, là viên ngọc trên vương miện của F & N và là một nhân tố đang nổi trong ngành công nghiệp bia châu Á, vẫn tăng trưởng mạnh trong bối cảnh doanh số giảm ở châu Âu và thị trường các nước công nghiệp.
Heineken và F & N từ lâu đã là đối tác của nhau ở châu Á. Heineken sở hữu 42% cổ phần của APB và muốn thâu tóm 40% cổ phần của F&N để chống lại sự cạnh tranh của hãng bia Thai Beverage do tỷ phú Thái Lan sở hữu.
Heineken bắt đầu sản xuất bia Tiger cùng với F & N từ những năm 1930 nhưng sự hợp tác này đã bị đình trệ sau khi Thai Beverage và các công ty khác liên quan đến tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi mua cổ phần trong F & N và APB với giá 3 tỷ USD vào tháng trước.
Thương vụ này rất quan trọng với Heineken trong việc mở rộng thị trường bia ở châu Á. Giành được quyền kiểm soát APB có thể nâng tỷ lệ lợi nhuận của Heineken từ 6% lên 15% ở châu Á, các nhà phân tích châu Âu cho biết.
Việc tăng cổ phần trong APB cũng phù hợp với chiến lược phát triển tại các thị trường mới nổi của Heineken. Trong nhiều năm gần đây, công ty này đã thâu tóm các nhà sản xuất bia ở Mexico và Brazil, mở rộng sang cả Ấn Độ thông qua đối tác với United Breweries và tăng cường sự hiện diện ở châu Phi.
Nếu thâu tóm được APB, Heineken sẽ nhận được quyền sở hữu hoàn toàn Tiger, Bintang, Anchor và các thương hiệu bia khác cộng thêm hơn 20 nhà máy bia ở 14 quốc gia bao gồm Singapore, Malaysia, Indonesia, Việt Nam, Thái Lan và Campuchia.
Tuy nhiên, Heineken đang phải đối mặt với 2 nhà sản xuất bia châu Á lớn là Thai Beverage của Thái Lan và Kirin Holdings của Nhật Bản, 2 nhà sản xuất bia châu Á cũng đang cạnh tranh để trở thành cổ đông lớn nhất của F & N.
Trước đó, các công ty có liên hệ với nhà tài phiệt Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi và đạt được thỏa thuận mua lại 22% cổ phần của F & N và 8,6% của APB. Còn công ty Kirin Holdings hiện nắm 15% cổ phần của F & N.
Nguồn CNBC/Khampha