Hệ thống ngân hàng toàn cầu và xu hướng hợp nhất
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu dẫn đến việc đánh giá lại các lợi ích và rủi ro tài chính, bao gồm cả các dịch vụ tài chính quốc tế đã trở nên quá rộng và quá phức tạp, tạo ra các sản phẩm chứng khoán và các công cụ phái sinh không mang lại giá trị gia tăng nhưng lại tạo ra nhiều rủi ro.
Có thể thấy điều này rõ nhất trong lĩnh vực ngân hàng quốc tế. Sau hai thập kỷ phát triển nhanh chóng, lĩnh vực ngân hàng toàn cầu bắt đầu suy giảm. Sau khi đạt đỉnh trong 3 tháng đầu năm 2008, tổng lượng vốn cho vay của các ngân hàng nước ngoài giảm mạnh. Khoản vay quốc tế trực tiếp giảm mạnh; cho vay thông qua các chi nhánh nước ngoài ổn định hơn. Sự sụt giảm này chủ yếu là do các tác động của thị trường, do các ngân hàng thiếu vốn phải thu hẹp bảng cân đối kế toán. Tuy nhiên, một số quy định trong nước thay đổi làm gia tăng ý định rút vốn đầu tư về nước của các ngân hàng nước ngoài.
Sự sụt giảm vốn đầu tư của các ngân hàng nước ngoài một phần là do những khiếm khuyết trong cấu trúc tài chính toàn cầu - những cơ chế tạo điều kiện cho sự ổn định tài chính toàn cầu và lưu thông thông suốt của dịch vụ tài chính và vốn giữa các quốc gia.
Cuộc khủng hoảng đã cho thấy sự khó khăn ở một quốc gia có thể được lan rộng sang các quốc gia khác, và sự phối hợp hạn chế giữa các cơ quan quản lý tài chính đã làm phức tạp thêm tình hình khủng hoảng và cản trở việc giải quyết khó khăn cho các nhóm ngân hàng có hoạt động quốc tế.
Hơn nữa, việc khuyến khích giám sát và hỗ trợ các ngân hàng và các chi nhánh nước ngoài có thể khác nhau giữa nước chủ nhà và nước sở tại.
Ví dụ, ở nhiều nước Trung, Đông và Đông Nam châu Âu, chi nhánh của các ngân hàng Tây Âu đóng vai trò quan trọng trong hệ thống tài chính của nước chủ nhà, nhưng quy mô hoạt động của các chi nhánh này tương đối nhỏ so với các hoạt động toàn cầu của ngân hàng mẹ.
Chỉ có sự phối hợp quốc tế chặt chẽ tương tự như Sáng kiến Vienna mới có thể ngăn chặn những nguy cơ rủi ro lớn đối với nước sở tại nếu các ngân hàng nước ngoài bị ảnh hưởng bởi những cú sốc tại nước chủ nhà hoặc trong các hoạt động toàn cầu.
Trong một số trường hợp khác, ngay cả khi quy mô hoạt động của ngân hàng nước ngoài ở nước chủ nhà tương đối lớn so với nền kinh tế của nước này, thì chính phủ nước đó không phải lúc nào cũng sẵn sàng hỗ trợ các ngân hàng mẹ, chứ không nói gì tới chi nhánh ngân hàng ở nước sở tại.
Toàn cầu hóa tài chính
Trong hai thập kỷ trước khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, tốc độ toàn cầu hóa tài chính tăng lên đáng kể, bao gồm
• Sự gia tăng lớn trong vốn vay ngân hàng quốc tế trực tiếp, đầu tư trực tiếp nước ngoài, và các dạng vốn vay khác như danh mục đầu tư cổ phiếu và trái phiếu
• Các tổ chức tài chính nước ngoài, cụ thể là ngân hàng, thành lập chi nhánh tại các nước khác và kinh doanh tại các nước đó.
Sự gia tăng mạnh về dòng vốn ngân hàng diễn ra trên một quy mô rộng lớn giữa các quốc gia. Từ năm 2002-2007, tổng khối lượng vốn tăng từ 8% tới gần 25% GDP của các nước phát triển và từ 2,5% đến hơn 12% GDP của các thị trường mới nổi.
Mặc dù toàn cầu hóa lĩnh vực tài chính giúp phân tán rủi ro giữa các quốc gia, nó cũng làm tăng khả năng xuất hiện cú sốc tại một trung tâm tài chính lớn có thể lan rộng sang nhiều nước. Sau khi đạt đỉnh vào đầu năm 2008, dòng vốn toàn cầu giảm mạnh xuống còn 1,3% GDP toàn cầu trong năm 2009, ảnh hưởng tiêu cực tới các nước phát triển và các thị trường mới nổi.
Dòng vốn hồi phục phần nào trong năm 2010, nhưng giảm trở lại khi cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu nổ ra. Vào năm 2012, dòng vốn chỉ chiếm khoảng 3,6% GDP toàn cầu.
Các ngân hàng nước ngoài và tổ chức tài chính đóng vai trò ngày càng tăng tại nước sở tại trước khi cuộc khủng hoảng tài chính bùng nổ. Trong 2 thập kỷ trước, các ngân hàng mở rộng hoạt động toàn cầu bằng cách tăng cường hoạt động ở nhiều quốc gia thông qua việc thành lập các chi nhánh và các công ty liên kết.
Trong giai đoạn 1995-2009, khoảng 560 ngân hàng đầu tư nước ngoài được thành lập, đưa số lượng tỷ lệ trung bình của các ngân hàng nước ngoài từ 20% trên tổng số ngân hàng hoạt động tại các thị trường địa phương lên 34% (xem biểu đồ).
Thông qua công ty liên kết và chi nhánh, các ngân hàng có thể huy động vốn tại địa phương và cấp vốn cho các công ty ở nước sở tại và nước chủ nhà dễ dàng hơn. Các ngân hàng này cũng có thể sử dụng nguồn vốn từ ngân hàng mẹ hoặc tài trợ cho các hoạt động cho vay trên thị trường vốn quốc tế. Tiếp cận trực tiếp với khách hàng cuối cùng (final customers) có thể đem lại lợi thế quan trọng cho các ngân hàng và các công ty cấp dịch vụ tài chính trong việc đánh giá tốt hơn cơ hội tăng trưởng và rủi ro.
Hiện nay, ở một số nước, đặc biệt là các quốc gia có nền kinh tế mới nổi ở Mỹ Latinh và Trung và Đông Âu, các ngân hàng nước ngoài chiếm ưu thế và đôi khi đại diện cho toàn bộ hệ thống ngân hàng.
Ở nhiều nước phát triển và các nước châu Á, các ngân hàng nước ngoài đóng vai trò nhỏ hơn. Trong quá trình chuyển đổi kinh tế kế hoạch tập trung sang kinh tế thị trường ở Đông Âu, các ngân hàng gặp khó khăn thường được bán cho các tổ chức nước ngoài. Kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính nổ ra, tốc độ thành lập các ngân hàng đầu tư nước ngoài đã chậm lại. Thậm chí, trong một số trường hợp, các tổ chức tài chính trong nước tiến hành mua ngân hàng nước ngoài.
Mặc dù cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu dẫn đến việc đánh giá lại rủi ro và lợi ích của hệ thống ngân hàng quốc tế, và thắt chặt các quy định tài chính trong nước, nhiều quốc gia, đặc biệt là các thị trường mới nổi, vẫn tiếp tục mở cửa thị trường tài chính.
Trên thực tế, những hạn chế về tiếp cận thị trường và các biện pháp phân biệt đối xử (ngân hàng trong nước được hưởng nhiều ưu đãi hơn ngân hàng nước ngoài) đã giảm trong nhiều lĩnh vực như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, và nỗ lực cải cách tài chính được đẩy mạnh (xem bảng).
Ngoài ra, nhiều nước tiếp tục đẩy mạnh việc ký kết hiệp định thương mại ưu đãi, cho phép các tổ chức tài chính có thể dễ dàng xâm nhập vào thị trường của nhau. Khoảng 52 hiệp định đã có hiệu lực kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu.
Vòng đàm phán thương mại Doha đạt được rất ít tiến bộ trong việc tăng cường khả năng tiếp cận thị trường và giảm bớt rào cản thương mại đối với dịch vụ tài chính. Gần đây xuất hiện một số sáng kiến thúc đẩy tự do hóa dịch vụ tài chính. Ba sáng kiến tiêu biểu bao gồm: Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TTP); Hiệp định Đối tác Đầu tư và Thương mại xuyên Đại Tây Dương (TTIP) giữa Liên minh châu Âu và Mỹ, và Hiệp định thương mại trong lĩnh vực dịch vụ (TISA) giữa 21 quốc gia và Liên minh châu Âu.
Hai mặt của thương mại trong dịch vụ tài chính
Thương mại trong dịch vụ tài chính bao gồm lợi ích và rủi ro liên quan tới vai trò của các tổ chức tài chính nước ngoài. Theo nghiên cứu thực nghiệm, sự tham gia của các ngân hàng nước ngoài vào thị trường tài chính giúp tăng cường hiệu quả hoạt động và thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh trong lĩnh vực ngân hàng ở nước sở tại, với tỷ suất lợi nhuận ròng thấp, lợi nhuận vượt mức giảm, và các tỷ suất chi phí thấp hơn.
Tuy nhiên, mức độ thành công của thương mại trong dịch vụ tài chính phụ thuộc vào quy mô hoạt động của các ngân hàng nước ngoài. Cạnh tranh trong lĩnh vực ngân hàng ở châu Mỹ Latinh và Đông Âu đã được đẩy mạnh do các ngân hàng nước ngoài đóng vai trò lớn trên thị trường tài chính. Tuy nhiên, tại châu Á, nơi có số lượng ngân hàng nước ngoài ít hơn, cạnh tranh trong lĩnh vực ngân hàng vẫn chưa đạt được nhiều tiến triển.
Xét về mặt ổn định tài chính, các kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy sự khác biệt về mức độ ảnh hưởng từ những cú sốc của các quốc gia phụ thuộc vào quy mô hoạt động của các ngân hàng nước ngoài, khoảng cách giữa các chi nhánh và ngân hàng mẹ, và lượng vốn mà các ngân hàng nước ngoài huy động trong nước chứ không phải từ nước ngoài. Nghiên cứu đã phát hiện ra 2 hiệu ứng chính, có phần trái ngược nhau:
• nhìn chung, khoản vay được cung cấp bởi các chi nhánh địa phương, chủ yếu được huy động tại thị trường nước sở tại, ổn định hơn khoản cho vay quốc tế. Tại Đông Âu, khoản cho vay của các ngân hàng nước ngoài sụt giảm nhiều hơn so với ngân hàng địa phương, nhưng tại các lớn nước ở châu Mỹ La-tinh, không có khác biệt đáng kể . Ở châu Mỹ Latinh, có ít chi nhánh và nhiều công ty liên kết tại thị trường nước sở tại hơn ở Đông Âu, một phần là do các chính sách ưu đãi của chính phủ Mỹ Latinh.
• Khi gặp phải cú sốc, các ngân hàng toàn cầu thường cân đối lại danh mục đầu tư bằng cách rút vốn ra khỏi thị trường quốc tế . Mặc dù các ngân hàng toàn cầu lan truyền cú sốc từ các nền kinh tế phát triển sang các thị trường mới nổi (như phân bổ lại thanh khoản trong ngân hàng), các ngân hàng nước ngoài hoạt động tại các nền kinh tế phát triển chịu ảnh hưởng của khủng hoảng cũng giảm cho vay tại thị trường nước sở tại, rút vốn về nước để đối phó với cú sốc ở nước chủ nhà.
Phản ứng chính sách
Các quy định chung sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bao gồm sự kết hợp giữa các quy định quốc gia và quốc tế nhằm giảm thiểu nguy cơ lây lan của cú sốc giữa các nước đồng thời làm giảm tác động của các cú sốc đó.
Những nỗ lực này bao gồm cải tiến cách thức quản lý của chính phủ để hỗ trợ các tổ chức tài chính đang gặp khó khăn. Tiêu chuẩn quốc tế mới áp dụng đối với các ngân hàng, đòi hỏi năng lực quản lý vốn cao hơn và quản lý thanh khoản tốt hơn (hiệp ước Basel III). Hàng loạt cơ quan quản lý đã được thiết lập để phối hợp giám sát hoạt động của các ngân hàng có vai trò quan trọng trong hệ thống tài chính toàn cầu.
Một số cải tiến về việc chia sẻ thông tin pháp lý trên toàn khu vực và công bố thông tin tài chính giúp cho các cơ quan giám sát phát hiện sớm nguy cơ và đưa ra quy định giám sát thị trường. Đánh giá về vai trò các ngân hàng trong hệ thống tài chính được tiến hành thường xuyên hơn, và hoạt động giám sát tài chính được tăng cường, đặc biệt tập trung vào tác động có khả năng lây lan giữa các quốc gia. Những cải cách quan trọng khác bao gồm các quy tắc dành cho các tổ chức xếp hạng tín dụng, thị trường OTC phái sinh, và các giao dịch ngân hàng ngầm (Shadow Banking).
Mặc dù chức năng và sự ổn định của hệ thống tài chính quốc tế đã được cải thiện, các cơ quan giám sát ở cả thị trường mới nổi và các quốc gia phát triển vẫn đang đẩy mạnh việc rà soát và điều tiết các hoạt động của ngân hàng nước ngoài tại địa phương.
Ví dụ, cơ quan điều tiết ngân hàng tại nước chủ nhà khuyến khích các ngân hàng tăng vốn và thanh khoản trong nước và/hoặc chuyển chi nhánh ngân hàng nước ngoài thành các công ty liên kết khiến cho vốn và thanh khoản khó có thể tự do di chuyển giữa các quốc gia và chính quyền nước sở tại dễ dàng hạn chế hoạt động của các ngân hàng nước ngoài. Các cơ quan giám sát tập trung nhiều hơn vào tính thanh khoản và vốn được chia sẻ giữa các ngân hàng và các chi nhánh ở nước ngoài.
Một số quy định mới của nước chủ nhà cũng hạn chế hoạt động tự doanh chứng khoán và tách hoạt động này khỏi việc huy động vốn từ khách hàng cá nhân. Các biện pháp bảo vệ như vậy có thể hạn chế ảnh hưởng qua lại giữa các chi nhánh ngân hàng do hoạt động trong và ngoài nước của các chi nhánh liên kết ít liên quan với nhau về mặt luật pháp. Tuy nhiên, điều này có thể làm gia tăng sự thiếu hiệu quả trong hoạt động nội bộ của các ngân hàng quốc tế .
Các bước tiếp theo
Để bảo hộ nền kinh tế trong nước và giảm bớt hoặc loại bỏ các tác động tiêu cực có thể phát sinh từ sự phụ thuộc lẫn nhau của các hệ thống tài chính, quy định và việc giám sát các hoạt động tài chính quốc tế phải được cải thiện. Bất chấp việc phối hợp thực hiện các quy định trong thời gian đầu của cuộc khủng hoảng, quy định và giám sát tài chính vẫn chỉ được áp dụng trong phạm vi quốc gia. Để bảo vệ các lợi ích và giảm thiểu rủi ro đối với thị trường tài chính toàn cầu, cần áp dụng các chính sách bổ sung để đối phó với khả năng sụp đổ của các tổ chức tài chính toàn cầu gặp khó khăn.
Rủi ro liên quan đến sự sụp đổ của một tổ chức tài chính (phải đối phó với tình trạng khó khăn của các công ty con và chi nhánh ở nước ngoài) đã thu hút sự quan tâm của chính phủ. Ví dụ, các cơ quan quản lý Thụy Sĩ gần đây đã đề xuất phương pháp Bảng điểm (Scorecard) để đánh giá các ngân hàng Thụy Sĩ hoạt động ở nước ngoài và các ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Thụy Sĩ. Phương pháp này tạo điều kiện cho việc thực hiện các giải pháp giải quyết khủng hoảng đồng thời bảo vệ các ngân hàng có vai trò quan trọng trong hệ thống tài chính của Thụy Sĩ.
Cần phải áp dụng các biện pháp xác định rõ ràng, chi tiết cách thức các chính phủ chia sẻ và đóng góp vào các nguồn tài chính để hỗ trợ một tổ chức tài chính quốc tế yếu kém, cách thức các tài sản và nợ được phân chia nếu một tổ chức bị giải thể hoặc thanh lý, và thiệt hại được chia sẻ một cách hợp lý giữa các nước trong khu vực có chung quy định pháp lý. Điều này vẫn đang trong quá trình thực hiện, việc xây dựng Liên minh Ngân hàng trong Liên minh châu Âu là nỗ lực trong việc phát triển, luật hóa và thể chế hóa các cách thức trên.
Xử lý các tổ chức gặp khó khăn không phải là trở ngại duy nhất trong việc đẩy mạnh sự phối hợp giữa cơ quan chức năng tại các quốc gia trong khu vực có chung quy định pháp lý. Xung đột có thể phát sinh giữa các cơ quan chức năng của nước chủ nhà và nước sở tại trong việc giám sát một tổ chức tài chính quốc tế.
Chính quyền nước sở tại tìm cách giữ lại vốn và thanh khoản khi một ngân hàng hoặc chi nhánh gặp khó khăn tài chính hoặc khi chu kỳ tài chính đang ở trong xu hướng đi lên ở một quốc gia thì lại có xu huớng đi xuống ở quốc gia khác.
Điều này tạo ra sự cần thiết phải phối hợp các công cụ và việc thực hiện các công cụ này trên toàn bộ khu vực có chung quy định pháp lý. Hơn nữa, sự thiếu can thiệp của một quốc gia có thể có gây ra hiệu ứng tiêu cực lan rộng sang các nước khác.
Một số cơ chế gần đây - được thông qua tại Hội đồng ổn định tài chính (FSB) giữa các cơ quan chức năng của Mỹ và Anh - đã giải quyết một phần vấn đề này. Nhưng nhiều vấn đề vẫn chưa được giải quyết .
Ví dụ, sẽ rất khó để có thể đảm bảo ảnh hưởng của bộ đệm phản chu kỳ (countercyclical capital buffers - một quy định của hiệp ước Basel III đòi hỏi các ngân hàng phải bổ sung thêm vốn trong thời gian kinh tế phát triển tốt và giảm bớt vốn khi kinh tế trong tình trạng xấu) – không gặp phải sự phản đối của các ngân hàng và các tổ chức tài chính trong khu vực có chung quy định pháp lý.
Điều quan trọng nhất là mỗi quốc gia cần phải có một khung pháp lý quy định sự tham gia và hoạt động của các tổ chức tài chính nước ngoài thực sự có tính trung lập - với điều kiện là các nước có đầy đủ cả quy định và lẫn giám sát và khả năng hỗ trợ các tổ chức địa phương nếu cần thiết.
Tuy nhiên, sự gia tăng các cuộc đàm phán thương mại ưu đãi đem lại khả năng tiếp cận thị trường và lợi thế đặc biệt dành cho các tổ chức tài chính nước ngoài, và thúc đẩy sự tập trung của các dịch vụ tài chính và các nhà cung cấp dịch vụ ớ một số ít các khu vực có chung quy định pháp lý. Điều này dẫn tới các trường hợp tương tự như việc các ngân hàng Nhật Bản đóng vai trò lớn trong hệ thống tài chính tại một số quốc gia Đông Nam Á vào năm 1997.
Gần đây hơn, ở các nước Trung và Đông Âu, nơi có sự hiện diện của các ngân hàng ở một vài quốc gia châu Âu, đóng vai trò quan trọng trong hệ thống tài chính của những nước này. Trong các trường hợp như vậy, các vấn đề khó khăn tại nước chủ nhà sẽ gây ra tình trạng cắt giảm hoạt động và làm cản trở việc cung cấp tín dụng ở nước sở tại.
Tự do hóa thương mại đa phương có thể giúp ngăn chặn các vấn đề liên quan tới sự tập trung của các ngân hàng, bằng cách cho phép các ngân hàng nước ngoài đủ điều kiện được tham gia càng nhiều càng tốt.
Thông qua việc xây dựng khung pháp lý và giám sát hợp lý để hỗ trợ cạnh tranh lành mạnh, cơ quan chức trách không chỉ đảm bảo cho các ngân hàng nước ngoài đủ điều kiện và có hoạt động hiệu quả nhất được phép tham gia vào thị trường trong nước, mà còn làm giảm nguy cơ những cú sốc tại một quốc gia ảnh hưởng xấu đến toàn bộ thị trường nước sở tại.
Nói chung, hội nhập tài chính toàn cầu đem lại lợi ích cho nước chủ nhà bằng cách gia tăng hiệu quả hoạt động, cạnh tranh lành mạnh, và tăng số lượng sản phẩm dịch vụ, đồng thời thúc đẩy việc chuyển giao kinh nghiệm và công nghệ.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng gần đây đã chỉ ra rằng điều này khiến các quốc gia phải đối mặt với những rủi ro và thách thức mới. Trong khi, phần lớn các tổ chức nước ngoài đóng vai trò là nguồn cung cấp tài chính ổn định từ bên ngoài trong các giai đoạn khủng hoảng tài chính tại nước sở tại, sự cởi mở hơn trong lĩnh vực tài chính có thể khuếch đại những tác động của căng thẳng tài chính ở các khu vực khác trên thế giới sang hệ thống tài chính trong nước. Đây là một vấn đề không chỉ của các thị trường mới nổi mà còn của cả hệ thống tài chính và nền kinh tế của các nước phát triển.
Những vấn đề này không đi ngược lại các lý do ủng hộ hội nhập tài chính quốc tế. Tuy nhiên, vấn đề này đặt ra yêu cầu nâng cao nhận thức và sự kết hợp hiệu quả của các chính sách quốc gia và quốc tế để đảm bảo rằng hội nhập tài chính sẽ hướng tới mục đích giảm thiểu rủi ro và tối đa hóa lợi ích đối với tất cả các nước. Mở cửa lĩnh vực tài chính là một khía cạnh quan trọng của phương pháp này. Cùng với các nỗ lực hỗ trợ của chính phủ, mở cửa lĩnh vực tài chính sẽ thể thúc đẩy hiệu quả cung cấp dịch vụ tài chính quốc tế và giảm thiểu những rủi ro liên quan.
Nguồn Dân Việt