Hệ thống ngân hàng Myanmar: Truyền thống, bảo thủ và chậm chạp
Lĩnh vực ngân hàng tại Myanmar có quy nhỏ và kém phát triển. Khả năng truy cập vào các dịch ngân hàng bị hạn chế, thể hiện rõ ràng nhất qua tỷ lệ cho vay rất thấp, chỉ chiếm 4,7% GDP và tỷ lệ tiền gửi 12,6% GDP, năm 2011.
Ngoài Ngân hàng trung ương (NHTW) Myanmar trực thuộc Bộ Tài chính, hệ thống ngân hàng bao gồm 4 ngân hàng quốc doanh và 19 ngân hàng tư nhân chi phối toàn bộ hoạt động ngành.
Ngoài NHTW, Myanmar có 4 ngân hàng quốc doanh, 19 ngân hàng tư nhân và 17 ngân hàng nước ngoài đặt cơ quan đại diện. (Nguồn: NHTW Myanmar).
Theo “Luật các tổ chức tài chính” tại Myanmar, ngân hàng nước ngoài bị cấm hoạt động hoặc tham gia vào bất kỳ hoạt động liên doanh nào với các ngân hàng địa phương. Tuy nhiên, nhằm chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh từ nước ngoài, Myanmar cam kết cho phép các ngân hàng nước ngoài thành lập nếu chịu sở hữu bởi một ngân hàng trong nước.
Hiện tại, chính phủ dưới thời tổng thống Thein Sein đang khẩn trương tiến hành sửa đổi luật ngân hàng đã trở nên lỗi thời trước thời điểm hàng hóa sẽ được lưu chuyển tự do trong ASEAN theo nội dung của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) kể từ năm 2015. Myanmar cùng Việt Nam, Campuchia, Lào sẽ được gia hạn lộ trình cắt giảm thuế đến 2018.
Dù sớm hay muộn, xu thế hội nhập và tự do hóa kinh tế cũng diễn ra. Dự đoán được xu thế này, 17 ngân hàng nước ngoài đã thiết lập văn phòng đại diện tại các địa phương trong cả nước.
Thực tế, ngân hàng tại Myanmar đã ra đời từ thời là thuộc địa của Anh. Không còn non trẻ nhưng hoạt động của các ngân hàng còn rất sơ khai, chủ yếu chỉ dừng ở các nghiệp vụ truyền thống, chủ yếu là nhận tiền gửi và cho vay lại.
Liên quan đến hoạt động này, có 6 điểm chính cần lưu ý như sau:
Thứ nhất, kể từ tháng 1/2012, NHTW giảm lãi suất huy động tối thiểu từ 10% về 8%, đồng thời trần lãi suất cho vay cũng giảm từ 15% xuống còn 13%. Động thái hạ lãi suất của NHTW Myanmar nhằm giảm bớt chênh lệch lãi suất với các nước Đông Nam Á và khuyến khích doanh nghiệp sản xuất kinh doanh với chi phí vốn thấp hơn.
Thứ 2, tiền gửi gấp 25 lần vốn. Tỷ lệ tiền gửi trên vốn ngân hàng tăng từ 10 lên 25 lần trong tháng 3/2011. Do vậy, hầu hết các ngân hàng không phục vụ khu vực nông thôn, nơi sinh sống của 70% dân số Myanmar nhưng ít có khả năng và nhu cầu gửi tiền.
Thứ 3, các ngân hàng phải đảm bảo tỷ lệ dự trữ bắt buộc lên tới 20%, nhằm đảm bảo tính thanh khoản. Như vậy, chỉ có 80% tiền gửi có thể được cho vay ra. Đối tượng cho vay đầu ra chủ yếu là các công ty có lợi nhuận lớn, chẳng hạn như công ty xây dựng hay công ty thương mại lớn và thường giới hạn hơn đối với các công ty nhỏ.
Thứ 4, cho vay thế chấp của các ngân hàng vô cùng cứng nhắc. Dù cho đã mở rộng danh sách tài sản thế chấp: đất đai, nhà cửa, vàng, tiền gửi ngân hàng,… Tỷ lệ vốn vay trên giá trị (LTV) chỉ 50%, một tiêu chuẩn tự áp đặt, đã phản ánh tính bảo thủ của các ngân hàng Myanmar.
Thứ 5, về tỷ giá, NHTW Myanmar đã cho thả nổi đồng kyat hồi tháng 4/2012 do không kìm chế được tình trạng đô la hóa và chênh lệch tỷ giá.
Myanmar hiện vẫn là đất nước có tỷ giá biến động mạnh. Tỷ giá chính thức hiện ở mức 6 kyat/USD trong khi đó tỷ giá trên thị trường chợ đen ở mức 800 kyat/USD.
Hơn nữa, thói quen sử dụng tiền mặt càng làm cho tình trạng đô la hóa nền kinh tế trở nên trầm trọng hơn.
Thứ 6, các sản phẩm và dịch vụ ngân hàng còn hạn chế. Dịch vụ chủ yếu là nhận tiền gửi cố định và cho vay với lãi suất cố định trong vòng 1 năm. Một số ngân hàng cũng cung cấp dịch vụ chuyển tiền trong nước, nhưng cũng chỉ giới hạn trong khu vực đô thị. Gần đây, các ngân hàng tư nhân được cho phép thực hiện chuyển tiền quốc tế và đã có 11 ngân hàng tham gia vào mạng SWIFT (Hệ thống giao dịch tài chính liên ngân hàng quốc tế lớn nhất thế giới, có trụ sở chính ở Bỉ) và bắt đầu hoạt động chuyển tiền quốc tế.
Triển vọng đổi mới ngành ngân hàng, nhìn từ chiếc thẻ sim
Tiềm năng phát triển của ngành ngân hàng tại Myanmar bị hạn chế bởi 2 nguyên nhân chính: độc quyền và tình trạng kém phát triển của viễn thông.
Với 3 triệu thuê bao trong tổng dân số hơn 60 triệu dân, dễ dàng ước tính tỷ lệ người sử dụng điện thoại di động tại Myanmar chắc chắn chưa đến 5%. Đó là chưa kể, số người dùng thực chỉ khoảng 1,3 triệu người (do 1 người có thể dùng nhiều thuê bao).
Một rào cản nữa, khiến cho số người sử dụng còn ít chính là vì chi phí cho 1 chiếc thẻ sim quá cao trong suốt thời gian dài, khiến người dân Myanmar còn chưa dám mơ đến 1 chiếc sim chứ chưa nói đến việc dùng điện thoại di động để truy cập dịch vụ ngân hàng.
Chi phí cho 1 chiếc thẻ sim tại Myanmar năm lên tới 160-200 USD (theo nghiên cứu của Nomura Equity Research, năm 2012) so với thu nhập bình quân đầu người hiện tại của Myanmar chỉ khoảng 900 USD/người/năm.
Điện thoại di động thậm chí từng được coi như đồ xa xỉ phẩm suốt những năm 1998-2012. Năm 1998, một chiếc sim có giá hơn 7000 USD.
Bộ thông tin Myanmar trong thông báo hôm 24/4/2013 cho biết, giá sim điện thoại di động đã rẻ hơn đáng kể. Giảm từ 230.000 kyat (260 USD) trong năm 2012 xuống chỉ còn 1.500 kyat (1,7 USD) vào tháng 4/2013.
Trước là viễn thông, sau là internet, thiếu 2 công nghệ truyền dẫn căn bản trên, hệ thống ngân hàng Myanmar khó có thể chuyển mình dù cho những luật lệ mới đang rất hứa hẹn.
Quả thật, mơ về một chiếc di động còn khó, chứ chưa nói đến dùng di động để truy cập các dịch vụ ngân hàng. Chậm cải tiến viễn thông và internet, cảnh người dân thành thị mang cả bao tiền đến gửi tại ngân hàng sẽ vẫn còn tiếp diễn.
Nếu như vậy, có thể người dân Myanmar vẫn sống tốt, nhưng những nhà đầu tư nước ngoài sắp ồ ạt bước chân lên "mảnh đất vàng cuối cùng" của châu Á, liệu họ có chấp nhận mạo hiểm rủi ro trong quá trình di chuyển vốn bằng tiền mặt khi số tiền có thể lên đến hàng triệu đô?
Mang tiền mặt, thường là cách cho tiền hơn là đầu tư. Và nếu có đầu tư thì chắc chắn cũng chỉ là đầu tư ngắn hạn, mau đến rồi mau đi.
Nguồn Dân Việt
Giá 1 sim điện thoại di động tại Myanmar đang giảm dần về 2USD, trước kia đã từng có giá hơn 7000 USD.