Thứ Sáu | 29/08/2014 15:29

"Hãy ăn táo đi" - Slogan tranh cử sau 20 năm vẫn hợp thời của Jeacques Chirac

Tuy nhiên, Pháp không phải nơi đầu tiên ra lời kêu gọi này. Phong trào đã nổi lên ở Ba Lan với phong trào ăn táo và uống rượu táo (Jedz Jablka).
"Hãy ăn táo đi" từng là câu khẩu hiệu (Slogan) chính thức của cựu Tổng thống Pháp Jeacques Chirac cho chiến dịch vận động tranh cử năm 1995 và đến nay, tức gần 20 năm sau một lần nữa câu khẩu hiệu trên lại được "hồi sinh".

Các nhà sản xuất và phân phối sản phẩm táo tại Pháp đang kêu gọi mọi người cùng ăn táo để chống lại lệnh cấm vận nhập khẩu của Nga đối với các sản phẩm thực phẩm và nông sản có xuất xứ từ châu Âu.
Ăn táo và uống rượu táo: Phong trào yêu nước "kiểu" Ba Lan

Tuy nhiên, Pháp không phải nơi đầu tiên ra lời kêu gọi này. Phong trào bắt đầu nổi lên từ Ba Lan - quốc gia đầu tiên trong Liên minh châu Âu (EU) chịu lệnh cấm nhập khẩu táo vào Nga. Trên mạng xã hội Twitter , hàng chục người Ba Lan đang đăng tải những hình ảnh với một trái táo hoặc một chai rượu táo trong tay với đính kèm (tag) bằng tiếng Ba Lan #jedzjablka (có nghĩa là "hãy ăn táo đi").

Khẩu hiệu "Hãy ăn táo đi" (Jedz Jablka trong tiếng Ba Lan) được dán khắp các cửa hàng và siêu thị
Khẩu hiệu "Hãy ăn táo đi" (Jedz Jablka trong tiếng Ba Lan) được dán khắp các cửa hàng và siêu thị

Phong trào này bắt đầu khi nhà báo Grzegorz Nawacki đăng tấm ảnh ăn táo lên mạng Twitter với nội dung đính kèm là "ăn táo". Nhà báo này cho biết: "Tôi nghĩ cách tốt nhất để giúp họ (người trồng táo) là nên bắt đầu ăn táo và uống rượu táo nhiều hơn. Bằng cách này, lượng táo tiêu thụ sẽ nhiều hơn và mọi người có thể cho thấy sự đoàn kết với người nông dân".

Được hưởng ứng nhanh chóng tại Ba Lan, hành động này còn được coi như một phần của một phong trào được gọi là "lòng yêu nước trái cây". Thậm chí, uống rượu táo và ăn táo đã trở thành "nghĩa vụ yêu nước" đối với người dân Ba Lan.

Pháp chịu tác động "gián tiếp"

Khác với Ba Lan - quốc gia Đông Âu này đã xuất khẩu đến 500.000 tấn táo mỗi năm sang Nga, trong khi đó Pháp chỉ bán khoảng 30.000 - 45.000 tấn táo sang Nga. Lượng xuất khẩu này chỉ chiếm 3 - 4% sản lượng táo tại Pháp.

Tuy nhiên, người trồng táo tại Pháp vẫn không thể tránh khỏi những tác động "gián tiếp" từ lệnh cấm vận của Nga. Nguyên nhân không đến từ thiệt hại trực tiếp từ thị trường xuất khẩu mà có thể xuất phát từ việc Ba Lan có thể sẽ chuyển hướng thị trường xuất khẩu và cạnh tranh với các nhà xuất khẩu của Pháp tại các thị trường như Anh hoặc Algeria và qua đó đẩy giá táo đi xuống. Và đó là điều không người nông dân trồng táo nào mong muốn, đặc biệt trong vụ mùa thu hoạch được đánh giá là "bội thu và đặc biệt" đạt được trên khắp châu Âu trong năm nay, theo Hiệp hội táo và lê Quốc gia (ANPP) - cơ quan đại diện cho 2/3 các nhà sản xuất Pháp.

Phong trào ăn táo và chụp hình đăng trên mạng xã hội Twitter
Phong trào ăn táo và chụp hình đăng trên mạng xã hội Twitter

Đầu tháng 8 này, Nga đã tuyên bố lệnh cấm vận trong vòng 1 năm đối với các sản phẩm thực phẩm bao gồm cả hoa quả để trả đũa trước các biện pháp trừng phạt Nga của Mỹ và phương Tây.

Nga là nhà nhập khẩu sản phẩm táo lớn nhất trên thế giới, với kim ngạch nhập khẩu lên tới 1,2 triệu tấn mỗi năm, ANPP cho biết. Riêng EU đã xuất khẩu khoảng 750.000 tấn táo sang Nga, phần còn lại 450.000 tấn do các nước láng giềng và Trung Quốc cung ứng.

Đầu tháng 8 được xem là thời điểm Nga chính thức khởi động chiến tranh thương mại với Mỹ và phương Tây với tần suất gần như mỗi ngày lại có một lệnh cấm vận nhập khẩu mới được Nga đưa ra.

Với các lý do như "vì sức khỏe" và "bảo vệ người tiêu dùng",Cơ quan An toàn Vệ sinh Thực phẩm Nga - Rosselkhoznadzor đã liên tiếp tung ra lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm và nông sản từ Mỹ vàLiên minh châu Âu (EU) để đáp trả các biện pháp trừng phạt kinh tế mới xuất phát từ vấn đề Ukraine.

Các mặt hàng như sữa, pho mát, hành tây từ Ukraine; đào từ Hy Lạp; mận từ Serbia; táo và bắp cải từ Ba Lan hay thịt từ Tây Ban Nha đều bị cấm nhập khẩu vào Nga. Theo Rosselkhoznadzor, tất cả các sản phẩm trên đều chứa chất độc hại, bị nhiễm vi khuẩn nguy hiểm hoặc không đáp ứng theo các tiêu chuẩn quy định.


Nguồn Theo DVO/Le Monde


Sự kiện