Ảnh: Sergei Guneyev, Sputnik via AP.
Hậu quả kinh tế từ cuộc chiến của Nga và Ukraine
Trong thập kỷ qua, rủi ro địa chính trị gia tăng là một đặc điểm thường thấy, nhưng nền kinh tế thế giới và thị trường tài chính không xem đó là vấn đề to tát. Từ cuộc cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ cho đến sự trỗi dậy của những người cai trị theo chủ nghĩa dân túy ở Mỹ Latinh và căng thẳng ở Trung Đông, các công ty và nhà đầu tư đã tiếp tục bất chấp, tin vào khả năng kiểm soát được hậu quả kinh tế của họ.
Nhưng cuộc tiến đánh của Nga vào Ukraine có khả năng phá vỡ “mô hình” này, vì nền kinh tế và một số các nhà sản xuất hàng hóa lớn nhất của Nga sẽ bị cô lập. Hệ quả toàn cầu trước mắt sẽ là lạm phát cao hơn, tăng trưởng thấp hơn và một số gián đoạn đối với thị trường tài chính khi các biện pháp trừng phạt sâu của Mỹ dành cho Nga có hiệu lực. Hệ quả lâu dài, đến từ động thái của Mỹ, sẽ làm suy yếu hệ thống chuỗi cung ứng toàn cầu hóa và thị trường tài chính tích hợp, vốn đã thống trị nền kinh tế thế giới kể từ khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991.
Bắt đầu với cú sốc hàng hóa
Ngoài việc là nhà cung cấp khí đốt hàng đầu cho châu Âu, Nga còn là nơi sản xuất dầu lớn nhất thế giới và chuyên cung cấp các kim loại công nghiệp như niken, nhôm và paladi. Cả Nga và Ukraine đều là những nước xuất khẩu lúa mì lớn, trong khi Nga và Belarus (một nước ủy nhiệm của Nga) rất giàu kali, một nguyên liệu sản xuất phân bón. Giá của những mặt hàng này đã tăng trong năm nay và hiện có khả năng tăng cao hơn nữa. Giữa các báo cáo về các vụ nổ trên khắp Ukraine, giá dầu Brent vượt 100 USD/thùng vào sáng ngày 24/2 và giá khí đốt châu Âu tăng 30%.
Việc giao hàng sẽ bị gián đoạn nếu cơ sở hạ tầng như đường ống (dẫn khí đốt) hoặc cảng Biển Đen bị phá hủy. Ngoài ra, các biện pháp trừng phạt sâu hơn đối với khu phức hợp hàng hóa của Nga có thể ngăn cản các khách hàng phương Tây mua hàng. Cho đến nay, cả hai bên đều cảnh giác về việc dùng thương mại năng lượng và hàng hóa như vũ khí, vốn đã xuyên suốt trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Các lệnh trừng phạt, sau cuộc xâm lược Crimea của Nga vào năm 2014, không ngăn được các công ty dầu mỏ lớn như BP, ExxonMobil hoặc Shell đầu tư vào Nga, trong khi các hình phạt của Mỹ đối với Rusal, một công ty kim loại của Nga, vào năm 2018 chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.
Cựu CEO của BP, Bob Dudley, cùng Tổng thống Putin thỏa thuận thực hiện chuyển giao liên doanh giữa BP và công ty dầu khí Rosneft vào năm 2011. Ảnh: Alexey Druzhinin / AFP / Getty Images |
Tuy nhiên, viễn cảnh hiện tại là phương Tây sẽ đưa ra nhiều hạn chế hơn đối với ngành tài nguyên thiên nhiên của Nga, làm giảm nguồn cung toàn cầu. Nga có thể trả đũa bằng cách cố tình tạo ra những nút thắt làm tăng giá. Mỹ thì có thể dựa vào Ả Rập Xê-út để tăng sản lượng dầu và thúc đẩy các công ty đá phiến trong nước tăng sản lượng.
Cú sốc công nghệ và tài chính toàn cầu
Trong khi thương mại tài nguyên thiên nhiên là một lĩnh vực phụ thuộc lẫn nhau giữa phương Tây và Nga, thì về tài chính và công nghệ, cán cân quyền lực kinh tế lại nghiêng về một phía. Do đó, Mỹ có khả năng sẽ đưa ra các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn (theo kiểu Huawei) đối với các công ty công nghệ Nga, hạn chế Nga tiếp cận phần mềm và chất bán dẫn tiên tiến, đồng thời đưa hai ngân hàng lớn nhất của Nga, Sberbank và VTB, vào danh sách đen hoặc loại Nga khỏi hệ thống tin nhắn nhanh, được sử dụng để chuyển khoản ngân hàng xuyên biên giới.
Động thái loại bỏ các ngân hàng Nga khỏi hệ thống Swift được hoan nghênh. |
Các biện pháp công nghệ sẽ đóng vai trò cản trở sự tăng trưởng của Nga theo thời gian và khiến người tiêu dùng nước này khó chịu. Các hạn chế ngân hàng sẽ có hiệu lực ngay lập tức, gây ra tình trạng khan hiếm vốn và cản trở các dòng tài chính ra vào đất nước. Vì các nhu cầu tài chính hiện hữu, Nga sẽ “cầu thân” Trung Quốc. Hiện thương mại giữa hai nước đã được “bảo bọc” khỏi các lệnh trừng phạt của phương Tây, với chỉ 33% các khoản thanh toán từ Trung Quốc sang Nga được thực hiện bằng USD, giảm so với mức 97% vào năm 2014.
Các ngân hàng phương Tây dường như ít làm việc với Nga. Tuy nhiên, kể từ khi kỷ nguyên toàn cầu hóa hiện đại bắt đầu vào những năm 1990, không có nền kinh tế lớn nào bị tách khỏi hệ thống tài chính toàn cầu.
Tất cả những điều này có ý nghĩa gì đối với nền kinh tế toàn cầu? Khi hệ thống tài chính bị cô lập, Nga phải đối mặt với một cú sốc kinh tế nghiêm trọng nhưng không chí mạng. Đối với nền kinh tế toàn cầu, viễn cảnh dự đoán trước mắt là lạm phát cao hơn khi giá tài nguyên tăng, các ngân hàng trung ương phải đối mặt với các tình trạng oái ăm hơn và doanh nghiệp có xu hướng giảm đầu tư, ảnh hưởng đến thị trường.
Tác động lâu dài hơn sẽ là thúc đẩy sự phân chia thế giới thành các khối kinh tế. Nga buộc phải nghiêng về phía đông, dựa dẫm nhiều hơn vào các liên kết thương mại và tài chính với Trung Quốc. Ở phương Tây, nhiều chính trị gia và công ty sẽ đặt câu hỏi liệu Toàn cầu hóa có còn hiệu lực và ý nghĩa hay không. Trung Quốc sẽ xem xét các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga và tăng cường chiến dịch tự cung tự cấp. Chiến tranh Nga - Ukraine có thể không gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu ngày nay nhưng nó sẽ thay đổi cách thức vận hành của nền kinh tế thế giới trong nhiều thập kỷ tới.
Có thể bạn quan tâm:
Lực lượng hạt nhân Nga trong thế sẵn sàng, căng thẳng leo thang
Nguồn The Economist