Mạnh Đức Thứ Ba | 31/07/2018 08:41

Hậu quả của việc ông Trump đặt Mỹ lên trước tiên

Trong ngày đầu tiên làm Tổng thống, ông Trump đã tuyên bố một thay đổi trong hướng đi của nước Mỹ.

Mỹ từ chối vai trò đầu tàu

“Trong nhiều thập niên, chúng ta đã làm giàu cho các nền công nghiệp nước ngoài, với cái giá phải trả là nền công nghiệp trong nước, trợ cấp cho quân đội các nước khác trong khi cho phép quân đội của chúng ta giảm sút”, diễn văn nhậm chức của ông Trump có đoạn viết. “Chúng ta làm các nước khác giàu có trong khi của cải, sức mạnh và sự tự tin của đất nước chúng ta biến mất ở đường chân trời. Từ giờ phút này trở đi, nước Mỹ được đặt lên trước tiên”.

Ông Trump đã than phiền về cái được gọi là trật tự của thế giới tự do – nền kinh tế toàn cầu và các thỏa thuận an ninh kết nối các quốc gia có nền kinh tế thị trường lại với nhau.

Nước Mỹ đã dẫn đầu trong việc tạo ra các thỏa thuận đó sau khi chiến thắng trong Thế chiến II. Các tổng thống của cả 2 đảng đều đồng tình rằng các tổ chức như WTO, IMF hay NATO sẽ giúp ngăn ngừa chiến tranh, thúc đẩy các giá trị Mỹ và làm tăng cường thịnh vượng ở trong và ngoài nước. Và nó đã có hiệu quả.

Nước Mỹ chiến thắng cuộc Chiến tranh Lạnh. Cho đến giờ vẫn chưa có một cuộc chiến tranh toàn cầu nào nữa. Nền kinh tế thế giới, nếu bỏ qua lạm phát, hiện đã lớn gấp bảy lần năm 1960. Nền kinh tế Mỹ đã lớn hơn gấp 6 lần.

Hau qua cua viec ong Trump dat My len truoc tien
 

Ngày nay, Mỹ chi khoảng 14 tỷ USD hàng năm để hỗ trợ cho các tổ chức trên. Nhưng một nghiên cứu của Công ty Rand Corp. vào đầu năm nay cho thấy Mỹ đã kiếm lại được hàng trăm tỷ USD thông qua mở rộng thương mại, tăng năng suất, ngăn ngừa xung đột và bảo vệ nền tài chính toàn cầu.

“Mỹ đã có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong việc hệ thống này vận hành thế nào, điều đó cực kì có lợi cho ngoại giao và lợi ích của Mỹ.”, nhà khoa học chính trị Michael Mazarr của hãng Rand cho biết. “Nói một cách công bằng, dựa vào những gì chúng ta đã làm được, không có quyền lực lớn nào từng có một lợi thế cạnh tranh nổi bật hơn so với cái mà chúng ta có được từ trật tự thế giới sau thế chiến này”.

Hậu quả trước mắt và lâu dài

Nhưng có một số lĩnh vực lại bị tổn hại nặng nề. Học viện Peterson về Kinh tế Quốc tế ước tính có khoảng 156.000 việc làm tại Mỹ bị mất hàng năm vì mở rộng thương mại.

Những công việc bị mất đó, cộng thêm sự thay đổi văn hóa do mức nhập cư tăng, đã làm thất vọng cộng đồng lao động phổ thông Mỹ và châu Âu, biến trật tự thế giới trở thành một mục tiêu của các cuộc chống đối của phe dân túy.

Trật tự thế giới này cũng trở thành mục tiêu của các nhà lãnh đạo Nga đang muốn phục hồi lại quyền lực và sự ảnh hưởng đã mất. Nghị viện Anh hiện đang điều tra những nỗ lực ngầm của Nga để hỗ trợ cho chiến dịch Brexit năm 2016 nhằm tách Vương quốc Anh ra khỏi Liên  minh châu Âu EU. Cộng đồng tình báo Mỹ cũng kết luận rằng Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2016 để giúp ông Trump giành thắng lợi.

Từ khi là Tổng thống, ông Trump đã làm rung chuyển các thiết chế quốc tế. Ông  đã rút lui khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, dọa sẽ hủy bỏ Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ, áp thuế quan nhập khẩu lên các đồng minh của Mỹ.

Hồi tháng 6, ông Trump đã nói rằng Mỹ giống như một con heo đất mà ai cũng có thể cướp, và chuyện này phải kết thúc. Ông Trump cũng rời bỏ thỏa thuận chung Paris nhằm làm giảm biến đổi khí hậu. Ông hủy bỏ thỏa thuận cắt giảm hạt nhân với Iran, một thỏa thuận mà chính quyền của tổng thống Barack Obama đã kí kết cùng với Iran và các nhà lãnh đạo khác trên thế giới.

Ông Trump cũng đã đặt câu hỏi về nền tảng kinh tế của NATO bằng việc trách móc các đồng minh châu Âu đã không chịu chi đầy đủ cho phòng thủ của nước họ. Thậm chí ông còn nghi ngờ về cam kết của Mỹ đối với việc phòng thủ chung của các nước thành viên NATO. Một ví dụ đặc biệt là tại Montenegro, nước vừa có một âm mưu đảo chính, khi ông đã phát biểu trên truyền hình là ông tự hỏi tại sao lính Mỹ lại phải bảo vệ Montenegro (Montenegro chính thức gia nhập NATO vào ngày 5/6/2017).

Hau qua cua viec ong Trump dat My len truoc tien
 

Nhiều quan chức đã lo lắng việc hủy hoại các mối quan hệ đồng minh truyền thống sẽ làm hại nền kinh tế và làm nước Mỹ kém an toàn hơn, và họ đã phản ứng. Các nghị sỹ Cộng hòa đã cùng với nghị sỹ của Đảng Dân chủ cảnh báo chống lại việc áp thuế quan lên các đối tác thương mại đồng minh. Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đã phải nhanh chóng ra tuyên bố bảo vệ NATO, nói rằng Mỹ cam kết hỗ trợ 100% đối với NATO.

Các quan chức từ các đời chính quyền trước cho biết mạng lưới các mối quan hệ toàn cầu đã có từ lâu đời, rất bền chặt và có thể chịu đựng nhiều tổn hại. Các quan chức này cũng cho rằng đây không phải lần đầu tiên có rắc rối xảy ra trong mối quan hệ giữa Mỹ và các nước châu Âu. Tuy nhiên, ông Kori Schake, Trợ lý an ninh quốc gia dưới thời Tổng thống George W. Bush cho biết đây là lần đầu tiên có một tổng thống Mỹ không tin tưởng vào trật tự thế giới tự do.

Nhưng nhiều người lại cho rằng trật tự thế giới đã quá căng thẳng và sợ rằng mạng lưới quan hệ này đã chịu quá nhiều tổn hại. Chuyên gia đối ngoại thuộc phe bảo thủ Robert Kagan đã viết trên tờ The Washington Post: “Mọi việc sẽ không ổn. Cuộc khủng hoảng thế giới đang đến gần chúng ta.”

Nguồn CNBC