Chủ Nhật | 23/06/2013 15:26

Hành trình chấm dứt QE3 đầy gian nan của Fed

Làn sóng bán tháo trong tuần qua cho thấy hành trình chấm dứt gói kích thích kinh tế chưa từng có của Fed sẽ lâu dài và rất gian khổ.
Hôm 19/6 vừa qua, chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Ben S. Bernanke thông báo thí nghiệm kinh tế lớn nhất trong lịch sử ngân hàng trung ương Mỹ có thể sẽ chấm dứt vào giữa năm 2014. Tuyên bố của ông Bernanke chỉ mang tính báo trước, song thị trường tài chính lại phản ứng theo cách hoàn toàn khác.

Từ năm 2009, Fed đã tiến hành mở rộng cơ sở tiền tệ (còn gọi "in tiền") thông qua các gói thu mua tài sản tài chính, như trái phiếu kho bạc hay các loại nợ doanh nghiệp khác. Cách làm này giúp lãi suất duy trì ở mức thấp, mặc dù khiến người tiết kiệm tiền bị thiệt thòi song lại giúp ích cho những doanh nghiệp và các hộ gia đình đang chìm trong nợ nần. Bên cạnh đó, nó cũng trở thành chỗ dựa cho các thị trường tài chính.

Nếu những kế hoạch ngừng kích thích vào năm 2014 của Fed trở thành hiện thực, chính phủ Mỹ sẽ phải lấy tiền các khoản tiết kiệm của khu vực tư nhân để bù đắp thâm hụt ngân sách, chứ không phải từ ngân hàng trung ương. Trong khi đó, các thị trường tài sản sẽ phải tự lo liệu cho chính mình khi những người mua lớn nhất rút khỏi thị trường.

Đó cũng chính là lý do vì sao một số quỹ đầu tư lại ồ ạt bán tháo trái phiếu trong tuần này, dẫn tới một đợt sụt giá chưa từng có và lợi suất trái phiếu tăng vọt. Bản thân chủ tịch Bernanke tỏ ra vô cùng kinh ngạc khi những điều chỉnh trong bảng cân đối của Fed mà ông công bố lại khiến thị trường trái phiếu chao đảo đến như vậy.

QE3 Ben Bernanke

Tuy nhiên, các nhà đầu tư lại đưa ra những suy luận khá logic từ động thái của Fed. Thông thường, Fed ít khi thay đổi đường hướng mà mình vạch ra, nhưng một khi đã thay đổi, tình trạng thắt chặt sẽ diễn ra khi lãi suất đồng loạt tăng.

Hơn nữa, khi Fed còn hỗ trợ thị trường, các nhà đầu tư phải tìm kiếm các nguồn thu nhập mới nhằm bù đắp cho việc lợi suất trái phiếu chính phủ giảm. Trong động thái được gọi là "săn lùng lợi suất", nhiều nhà đầu tư bắt đầu tìm đến các loại trái phiếu thị trường mới nổi và các quỹ trái phiếu khác. Giờ đây, khi làn sóng bán tháo diễn ra, họ cũng chính là những người bị thiệt hại nhiều nhất, và bản thân họ không thể đoán trước đến khi nào làn sóng trượt giá này mới chấm dứt.

Làn sóng bán tháo tương tự - song nhỏ hơn rất nhiều so với hiện tại - cũng từng diễn ra cách đây 1 thập kỷ. Đó là vào ngày 25/6/2003, khi Ủy ban thị trưởng mở liên bang (FOMC) nhóm họp trong bối cảnh thị trường kỳ vọng Fed sẽ hạ lãi suất từ 1,25% xuống 0,75%.

Ở thời điểm đó, ông Vicent Reinhart, một thành viên trong FOMC, mở màn cuộc họp với một câu nói khá hài hước: "Hôm thứ 6, tôi đang đứng xếp hàng với cậu con trai 11 tuổi để cố mua cuốn 'Harry Potter và Mệnh lệnh phượng hoàng'... Cuốn sách đó dĩ nhiên dày hơn mấy bản báo cáo đang nằm trên bàn các vị, song nó cũng đang xem xét một thế giới khác đầy bất ổn và nguy hiểm giống như của chúng ta".

Cũng giống như trong Harry Potter, cựu chủ tịch Alan Greenspan chính là nhà phù thủy tối cao của Fed ngày hôm đó. Còn ông Bernanke cũng ngồi trong phòng họp lúc đó, song gần như chẳng nói lời nào. Vào thời điểm ấy, FOMC thừa hiểu về những hiểm họa phía trước khi quyết định cắt giảm lãi suất liên bang 0,25%. Trước đó, nhiều người cho rằng sẽ phải vài năm nữa Fed mới cho hạ lãi suất nên tỏ ra khá ung dung. Tuy nhiên, ngay sau cuộc họp đó, thị trường kết luận rằng Fed đang chuẩn bị thắt chặt chính sách sớm hơn dự kiến và ồ ạt bán tháo. Đó cũng chính xác là điều đã diễn ra trong tuần qua.

Có lẽ ít nhà đầu tư nào quên được "ngày đen tối" 4/2/1994 khi Fed cũng đưa ra một quyết định tạo nên một sự hỗn loạn chưa từng có. Thời điểm đó, kinh tế Mỹ bắt đầu phục hồi từ suy thoái, lợi suất trái phiếu Kho bạc bắt đầu tăng nhẹ nhờ triển vọng kinh tế được cải thiện.

Chủ tịch Fed Alan Greenspan quyết định bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ - một động thái được cho là gây bất ngờ với thị trường tài chính. Kết quả là, vào ngày 4/2/1994, Fed quyết định tăng 0,25% lãi suất cơ bản. Chỉ vài phút sau, toàn bộ thị trường rơi vào tình trạng hỗn loạn.

QE3

Rõ ràng, thị trường trước đây thường không chuẩn bị và khá bị động trước những thay đổi của Fed, và chủ tịch Bernanke muốn thay đổi điều đó. Cách làm của ông chính là đưa ra những chỉ báo minh bạch và những hướng dẫn trong tương lai cho các nhà đầu tư. Ông cho biết Fed sẽ kết thúc chương trình thu mua tài sản chỉ khi tỷ lệ thất nghiệp Mỹ giảm xuống dưới 7%. Tuyên bố của ông là nhằm báo cho thị trường biết Fed sẽ không thắt chặt trước khi nền kinh tế đủ sức chịu được những tác động từ việc thắt chặt đó. Lãi suất vẫn được duy trì ở mức gần bằng 0 trong một thời gian dài trước khi từ từ tăng trở lại.

Mục đích của ông Bernanke là để cho giá trái phiếu giảm từ từ, đủ thời gian cho hệ thống tài chính tự điều chỉnh lại.

Tuy nhiên, có 2 rủi ro lớn đối với kế hoạch rút lui của Fed. Thứ nhất, thông điệp của Fed sẽ gửi một tín hiệu sớm cho nền kinh tế thế giới rằng các ngân hàng trung ương sẽ thắt chặt trước khi sự phục hồi của khu vực tư nhân thoát hoàn toàn khỏi những tác động của khủng hoảng. Sai lầm này Fed cũng từng mắc phải trong năm 1937-1938.

Các nhà kinh tế vĩ mô như Michael Woodford cho rằng hiệu quả kinh tế chính của chương trình thu mua tài sản của Fed là báo hiệu cho các hộ gia đình và doanh nghiệp Mỹ rằng ngân hàng trung ương sẽ giữ lãi suất ở mức thấp hơn trong thời gian dài hơn bình thường. Tuy nhiên, những hiệu ứng kích thích đó có thể bị đảo ngược sau tuyên bố của Bernanke. Nếu điều đó thực sự diễn ra, sự phục hồi của kinh tế Mỹ cũng ngừng lại, kéo theo đó là sự đi xuống của kinh tế toàn cầu.

Rủi ro thứ 2 là Fed quá chậm trễ trong việc đặt các rủi ro thị trường trong tầm kiểm soát. Trong trường hợp này, việc Fed tuyên bố dừng kích thích có thể khiến lợi suất trái phiếu và tín dụng tăng cao hơn nhiều so mức mà nền kinh tế có thể chịu đựng. Lợi suất trái phiếu cao hơn sẽ đem đến những rủi ro cho hệ thống tài chính - chẳng hạn như lãi suất thế chấp tăng cao khi thị trường nhà đất Mỹ chỉ mới bắt đầu phục hồi.

Quá trình chấm dứt các gói nới lỏng định lượng (QE) luôn luôn lâu dài và rất gian khổ. Bên cạnh đó, chẳng có cuốn sách giáo khoa lịch sử nào để các ngân hàng trung ương tham khảo. Điều có cũng giống như một phi công chỉ biết thực hiện các chuyến bay được giả lập trên máy tính trong khi mù mờ khi bước vào thực tế.

Các ngân hàng trung ương thường tự tin rằng họ có đủ các công cụ kỹ thuật để hoàn thành công việc của mình, song như chủ tịch Bernanke thừa nhận, việc Fed ngừng QE3 cũng giống như việc phi công phải hạ cánh xuống tàu sân bay trong khi trời vẫn còn nhiều giông bão.

Nguồn FT/Dân Việt


Sự kiện