Ông Jaya Thursfield, một người Úc chuyển đến Nhật Bản năm 2017, đã mua một ngôi nhà bỏ hoang cách Tokyo không xa với giá 23.000 USD và bắt đầu cải tạo nó. Ảnh: NYTimes.

 
Gia Khánh Thứ Tư | 26/04/2023 15:50

Hàng triệu ngôi nhà đang bị bỏ hoang tại Nhật

Khi dân số Nhật giảm và nhiều bất động sản không có người nhận, một bộ phận người mua đang tìm về những ngôi nhà bỏ trống ở nông thôn.

Khi ông Jaya Thursfield tìm thấy một ngôi nhà mà muốn mua ở Nhật cách đây vài năm, bạn bè và gia đình đã bảo ông hãy quên nó đi. Họ nói rằng nơi này không đáng. 

Căn nhà nằm giữa một rừng cỏ dại cao đến vai sau khi bị bỏ trống khoảng 7 năm  và là một trong hàng triệu ngôi nhà bỏ hoang, được gọi là Akiya, trên khắp nước Nhật. 

Nhưng ông Thursfield, 46 tuổi, một nhà phát triển phần mềm người Úc, không nản lòng. Qua khu vườn cây cối um tùm, ông vẫn nhìn thấy điểm đặc biệt của nơi này: Những hàng ngói đen đổ dọc xuống mái hiên cong cong, cao hơn nhiều so so với hầu hết các ngôi nhà khác. Sảnh vào có mái ngói đầu hồi riêng và ngôi nhà rộng hơn 250 m2 này có nét giống một ngôi chùa Phật giáo, do được xây dựng bởi kiến ​​trúc sư xây chùa vào năm 1989.

Ngôi nhà của gia đình Thursfields vào năm 2019, ngay sau khi họ mua nó.
Ngôi nhà của gia đình Thursfields vào thời điểm được mua năm 2019. Ảnh: NYTimes.

Ông Thursfield và người vợ gốc Nhật, bà Chihiro, đã chuyển từ London đến Nhật vào năm 2017 cùng 2 con trai nhỏ và ước mơ mua một ngôi nhà có sân rộng. Kế hoạch là mua một khu đất trống và xây nhà trên đó, nhưng đất đai ở Nhật đắt đỏ và ngân sách của họ không cho phép. Vì vậy, họ chuyển sang nguồn cung ngày càng tăng - đó là những ngôi nhà bỏ hoang, rẻ hơn và thường đi cùng diện tích đất lớn hơn.

Bà Thursfield cho biết: “Chúng tôi sẽ không bao giờ có thể mua được một ngôi nhà có chất lượng và kích thước như thế này nếu nó không phải là một Akiya. Trong khi nhiều người Nhật không thích những căn nhà đã qua sử dụng, thì người nước ngoài chúng tôi nhắm đến những căn nhà rẻ, sẵn sàng dọn vào ở, cũng như có thể cải tạo theo sở thích và túi tiền”.

Sự ra đời của Akiya

Theo The New York Times, khi dân số Nhật giảm và nhiều bất động sản không có người nhận, một bộ phận người mua mới nổi, không muốn gắn bó với chốn thành phố đông đúc, đang tìm về những ngôi nhà trống ở nông thôn.

Những ngôi nhà ở Nhật thường giảm giá trị theo thời gian cho đến khi chúng trở nên vô giá trị, chỉ còn lại giá trị đất đai.

 

Dữ liệu gần đây nhất từ cuộc khảo sát Nhà ở và Đất đai năm 2018 của chính phủ Nhật, cho thấy có khoảng 8,5 triệu Akiya trên toàn quốc khoảng 14% tổng nguồn cung nhà ở của cả nước nhưng thời điểm hiện tại còn có nhiều hơn nữa. Viện nghiên cứu Nomura ước tính có đến 11 triệu Akiya và dự đoán những ngôi nhà kiểu này có thể vượt quá 30% tổng số nhà ở Nhật vào năm 2033.

Ngôi nhà của gia đình Thursfield, nằm giữa những cánh đồng ở phía Nam tỉnh Ibaraki, cách trung tâm Tokyo khoảng 45 phút. Ngôi nhà đã bị bỏ hoang bởi gia đình của chủ sở hữu trước đó từ chối thừa kế.

Ông Thursfield đã quyết định thử vận ​​may của mình. Sau khi kiểm tra nhanh ngôi nhà với một người bạn là kiến ​​trúc sư và không thấy vấn đề gì nghiêm trọng dù đã nhiều năm bị bỏ bê, ông mua được ngôi nhà với giá khoảng 23.000 USD.

Kể từ khi mua nhà vào năm 2019, cặp đôi đã chi khoảng 150.000 USD để cải tạo và còn nhiều việc phải làm. Ông Thursfield đã quay lại quá trình và đăng tải trên YouTube, thu hút hơn 200.000 người đăng ký.

Trong khi ngôi nhà của gia đình Thursfield bị bỏ hoang bởi người thừa kế không nhận, thì vẫn có một số chủ nhà qua đời mà không hề nêu tên người thừa kế. Hay đôi khi, những người thân được chủ sở hữu để lại tài sản đã từ chối bán đất đai của gia đình vì tôn trọng giá trị tổ tiên, khiến ngôi nhà bị bỏ không.

Nấm sau mưa

Trong bối cảnh đó, nhà quan chức Nhật ở cả cấp địa phương và quốc gia đều đang vào cuộc để tìm cách thay đổi.

Ông Kazuhiro Nagao, một quan chức thành phố ở Sakata, cho biết: “Akiya được bảo trì kém có thể làm hỏng cảnh quan cũng như gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của người dân nếu chúng sụp đổ. Chúng tôi đang trợ cấp một phần cho việc phá dỡ, thu thập các báo cáo về Akiya và cố gắng giúp các chủ sở hữu nhận thức được vấn đề bằng cách tổ chức các cuộc họp giao ban”.

Một akiya và tình trạng bên trong ở Nagasaki, Nhật Bản. Ảnh: Tim Hornyak.
Một akiya và tình trạng bên trong ở Nagasaki, Nhật. Ảnh: Tim Hornyak.

Theo ông Akira Daido, cố vấn viên tại Viện Nghiên cứu Nomura, mặc dù vấn đề Akiya không ảnh hưởng trực tiếp đến doanh số bán bất động sản ở đô thị, nơi các tòa nhà cao tầng tiếp tục mọc lên, nhưng lại chứa mối nguy hiểm tiềm ẩn đối với cộng đồng. Như là những căn nhà bỏ hoang có thể trở thành nơi cư trú của tội phạm, bị sụp đổ vì lâu ngày không được sửa chữa và môi trường xung quanh bị ô nhiễm do không có người dọn dẹp thường xuyên.

Trong bối cảnh đó, đã có nhiều ngành công nghiệp nhỏ liên quan đến Akiya mọc lên, chẳng hạn như công việc làm chuyên gia tư vấn nhà bỏ hoang, chuyên thúc giục các chủ bất động sản hành động trước khi tài sản của họ trở nên vô nghĩa.

Bên cạnh đó, thành phố trên khắp nước Nhật cũng đang tổng hợp danh sách những ngôi nhà bỏ trống để bán hoặc cho thuê. Những danh sách hoặc website đăng bài giao dịch như thế này được gọi là Ngân hàng Akiya.

Và không để lỡ mất cơ hội, hiện có không ít công ty bất động sản đã bắt đầu chộp lấy những “miếng bánh” Akiya, mở dịch vụ cho thuê Airbnb ở Akiya, và cả tiếp thị chúng cho những người mua hàng xa xỉ không phải người Nhật,

Có thể bạn quan tâm: 
Vì sao Hồng Kông là "trung tâm thương mại" của các nước bị trừng phạt?

Nguồn NYTimes