Ảnh: Time

 
Vũ Hạo Chủ Nhật | 23/02/2020 13:27

Hàng triệu doanh nghiệp Trung Quốc có nguy cơ vỡ nợ vì virus corona

Sự hoành hành của virus corona khiến hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp nhỏ tại Trung Quốc điêu đứng,

Bà Brigita, Giám đốc tại một trong những đại lý bán xe hơi lớn nhất Trung Quốc, đang sắp hết phương án lựa chọn. 100 cửa hàng của công ty bà đã đóng cửa trong 1 tháng qua vì virus corona, dự trữ tiền mặt dần cạn kiệt và các ngân hàng có vẻ không muốn gia hạn hàng tỷ nhân dân tệ nợ sắp đến hạn trong vài tháng tới. Những chủ nợ khác cũng đang xem xét đến chuyện này.

“Nếu chúng ta không thể trả nợ trái phiếu thì tình hình sẽ rất, rất tệ”, bà Brigita nói với vẻ mặt u buồn. Công ty của bà thuê 10.000 nhân viên và bán xe hơi từ các thương hiệu trung cấp đến cao cấp như BMW.

Trong lúc phần lớn nền kinh tế Trung Quốc vẫn còn “đứng hình” khi các nhà chức trách cố gắng ngăn chặn virus corona (vốn đã lây nhiễm cho hơn 76 nghìn người), hàng triệu công ty trên cả nước đang phải đấu tranh cho cuộc chiến sinh tồn.

Trong một cuộc khảo sát các công ty vừa và nhỏ của Trung Quốc được thực hiện trong tháng này, 1/3 số doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết chỉ có đủ tiền mặt để trang trải chi phí cố định trong một tháng và 1/3 doanh nghiệp khác sẽ cạn tiền trong vòng hai tháng.

Mặc dù Chính phủ Trung Quốc đã cắt giảm lãi suất, yêu cầu các ngân hàng tăng cường cho vay và nới lỏng các tiêu chí để các công ty nối lại hoạt động, nhưng nhiều doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc nói rằng họ đã không thể tiếp cận nguồn tài trợ cần thiết để đáp ứng thời hạn thanh toán nợ và tiền lương sắp tới. Nếu không có thêm hỗ trợ tài chính hoặc sự phục hồi đột ngột của nền kinh tế Trung Quốc, một số công ty có thể phải đóng cửa mãi mãi.

Ông Lv Changshun, nhà phân tích tại Beijing Zhonghe Yingtai Management Consultant, cho hay: "Nếu Trung Quốc không ngăn chặn được virus corona trong quý 1/2020, tôi cho là sẽ có một số lượng lớn các doanh nghiệp nhỏ rơi vào trạng thái vỡ nợ".

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang chiến đấu để sinh tồn trong nghịch cảnh. Nguồn: Bloomberg
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang chiến đấu để sinh tồn trong nghịch cảnh. Nguồn: Bloomberg

Mặc dù chiếm tới 60% nền kinh tế và tạo ra 80% việc làm tại Trung Quốc, các doanh nghiệp nhỏ từ lâu luôn gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn tài trợ để mở rộng trong suốt giai đoạn bùng nổ và tồn tại trong các cuộc khủng hoảng.

Trước tình cảnh hiện tại, các ông lớn ngân hàng Trung Quốc chỉ hỗ trợ từng chút, phần lớn là để đối phó trực tiếp với virus corona. Ngân hàng Công nghiệp & Thương mại Trung Quốc (ICBC) – ngân hàng lớn nhất của Trung Quốc – đã cung cấp cứu trợ cho khoảng 5% khách hàng doanh nghiệp nhỏ.

Trong một email trả lời câu hỏi từ Bloomberg News, ICBC cho biết đã phân bổ 5,4 tỷ nhân dân tệ (770 triệu USD) để giúp các công ty chiến đấu với virus corona. “Chúng tôi phê duyệt các đơn đăng ký vay của các doanh nghiệp nhỏ đủ điều kiện ngay khi họ đến”, ICBC cho biết.

Tính cả thảy, các ngân hàng Trung Quốc đã cho vay 254 tỷ nhân dân tệ để đối phó với virus corona tính tới ngày 09/02, theo hiệp hội ngành ngân hàng Trung Quốc. Cùng với đó, các ngân hàng nước ngoài như Citigroup cũng hạ lãi suất cho vay. Ở góc nhìn kh, các doanh nghiệp nhỏ phải trả lãi cho khoản nợ vay 36,0 nghìn tỷ nhân dân tệ mỗi quý.

Các yêu cầu hà khắc đã hạn chế những ai có thể tiếp cận đến khoản cho vay đặc biệt của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) dành cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng từ virus corona, trong khi các chính quyền địa phương và các ngân hàng áp đặt giới hạn cho vay, dựa trên nguồn thông tin thân cận.

Tình trạng này chẳng giúp ích gì nhiều cho các đại lý bán xe hơi. Công ty của bà Brigita nợ tiền ở hàng tá ngân hàng. Bà cho biết cho đến nay, bà chỉ mới tiến tới thỏa thuận với vài ngân hàng để gia hạn nợ vay thêm 2 tháng. Tại thời điểm này, công ty vẫn đang trả lương cho nhân viên.

Cạn kiệt thanh khoản. Nguồn: Bloomberg.
Cạn kiệt thanh khoản. Nguồn: Bloomberg.

Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang vật lộn để tìm con đường sống trước khi dịch virus corona bùng phát, “điên đầu” vì cuộc chiến thương mại và chiến dịch giảm bớt đòn bẩy tại Trung Quốc.

Nguy hiểm nhất là những ngành công nghiệp thâm dụng lao động như phục vụ và nhà hàng, các đại lý du lịch, hàng không, khách sạn và trung tâm mua sắm, theo Lianhe Rating.

Bà Yang, nhà quản lý trung tâm mua sắm 7 tầng ở Thượng Hải, cho biết một người thuê và điều hành một khách sạn 150 phòng từng rất đông đúc nay phải gọi để xin miễn một tháng tiền thuê sau khi hoạt động kinh doanh điêu đứng vì virus cororna. Bà Yang cho rằng tiệm massage – vốn đang thuê không gian ở trung tâm mua sắm mà bà đang quản lý – cũng sẽ gặp khó khăn và sẵn lòng giúp đỡ.

Phó giám đốc tài chính tại công ty phát triển bất động nhỏ ở tỉnh An Huy cho biết công ty của ông thậm chí còn bị từ chối cho vay theo hạn mức tín dụng hiện có. Doanh số giảm đã làm xấu hồ sơ tín dụng của công ty và việc thiếu dự án mới khiến ông không có tài sản để thế chấp. Trong trường hợp không thể tiếp cận đến tín dụng, doanh nghiệp của ông có thể tồn tại trong ít nhất 4 tháng nếu được hoãn lại một số khoản thanh toán, ông nói.

Các ngân hàng cũng không khá khẩm hơn là bao. Nhiều ngân hàng bị thiếu vốn và rơi vào tình trạng nguy cấp sau hai năm vỡ nợ kỷ lục tại Trung Quốc. Công ty xếp hạng tín nhiệm S&P Global ước tính rằng tình trạng khẩn cấp kéo dài có thể đẩy tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng cao hơn gấp ba lên khoảng 6,3%, tức tăng thêm 5,6 nghìn tỷ nhân dân tệ.

Wu Hai, chủ sở hữu của Mei KTV – một chuỗi 100 quán Karaoke trên khắp Trung Quốc, đã lên mạng xã hội WeChat để bày tỏ sự bất mãn, và tuyệt vọng của bản thân.

Những quán karaoke của Mei KTV đã bị Chính phủ yêu cầu phải đóng cửa vì virus corona, từ đó bóp nghẹt dòng tiền mặt. Các khoản cho vay đặc biệt từ các cơ quan chức trách chỉ giúp ích đôi chút và không ngân hàng nào muốn cho vay nếu không có tài sản thế chấp và dòng tiền mặt đủ lớn, ông nói trên mạng xã hội WeChat trước đó trong tháng này.

Nguồn Bloomberg