Ảnh: Mashable.

 
Tuệ Anh Thứ Năm | 30/06/2022 15:01

Hàng tồn kho của các tập đoàn lớn cao kỷ lục, đe dọa kinh tế toàn cầu

Lượng hàng tồn kho cao chưa từng có của các tập đoàn quốc tế làm nguy cơ suy thoái kinh tế càng hiện rõ.

Hàng tồn kho do 2.349 tập đoàn sản xuất toàn cầu có niêm yết trên sàn chứng khoán đã đạt 1.870 tỉ USD vào cuối quý I/2022, tăng 97 tỉ USD so với ba tháng trước đó. Đây là con số cao kỷ lục kể từ khi có dữ liệu so sánh. Hàng tồn kho tăng ở tất cả 12 lĩnh vực sản xuất.

Ba lĩnh vực điện tử, xe hơi và máy móc chiếm đến 61% tổng số giá trị hàng tồn kho. Trong đó tồn kho hàng điện tử có mức tăng lớn nhất, đạt 457 tỉ USD, tăng thêm 26,7 tỉ USD so với quý trước. Riêng Samsung Electronics ghi nhận mức tăng hàng tồn kho lớn nhất tính theo đô la là 4,4 tỉ USD, hay tăng 13% so với quí trước lên 39,2 tỉ USD. Trong số đó, 2,5 tỉ USD là tồn kho nguyên liệu thô.

Với hãng sản xuất máy tính cá nhân Asus của Đài Loan, doanh số bán hàng giảm 9% trong khi hàng tồn kho tăng 18%, do nguyên liệu và thành phẩm đều tăng khoảng 500 triệu đô la. Asus đã tăng dự trữ vật liệu điện tử, nhưng doanh số bán hàng ở châu Âu cũng chậm lại do chiến tranh ở Ukraine. Đại diện công ty này cho biết Asus dự định duy trì mức tồn kho hiện tại.

Tiêu dùng ở khắp nơi đều chậm lại, đặc biệt là các mặt hàng điện tử.
Tiêu dùng ở khắp nơi đều chậm lại, đặc biệt là các mặt hàng điện tử.

Tiêu dùng ở khắp nơi đều chậm lại, đặc biệt là các mặt hàng điện tử. Theo tính toán của QUICK Factset, các doanh nghiệp phải mất 81,1 ngày để bán hết hàng, tăng 3,6 ngày so với quí IV/2021. Đây là khung thời gian dài nhất trong 10 năm qua (không bao gồm năm 2020 khi doanh số bán hàng giảm mạnh do COVID).

Trong ngành công nghiệp xe hơi, mức tồn kho tăng 14,8 tỉ tỉ USD, đạt 273 tỉ, tức tăng 6% do Ford Motor giảm doanh thu 8% và lượng hàng tồn kho của hãng này tăng 21% lên 14,6 tỉ tỉ USD, cao nhất trong 25 năm qua. Cũng giống như Ford, tập đoàn Mercedes-Benz của Đức cũng gặp tình trạng xe lắp ráp dang dở do thiếu linh kiện và do cuộc chiến Nga – Ukraine ảnh hưởng đến chuỗi vận tải.

QUICK Factset cho rằng xét về góc độ tích cực, hàng tồn kho cao trên toàn cầu sẽ không sớm dẫn đến khủng hoảng tiền mặt. Lượng tiền mặt mà 2.349 công ty nắm giữ ở mức 2.200 tỉ USD, gấp 2-3 lần doanh thu hàng tháng của họ, nghĩa là các con số vẫn ở trong ngưỡng an toàn.

Samsung cho biết đang nắm giữ 100 tỉ USD tiền mặt, tương đương với doanh số bán hàng trong 5 tháng. Toyota Motor có 44,19 tỉ USD tiền mặt, bằng 2-3 lần doanh số bán hàng trong tháng.

Dù vậy, các tập đoàn đều đang tỏ ra thận trọng. Trong tháng 6/2022, cả Mỹ và khu vực đồng euro đều chứng kiến ​​chỉ số quản lý mua hàng (PMI) giảm xuống khoảng mức 50 - mức hòa vốn. Trong khi đó, chỉ số PMI ở Trung Quốc duy trì ở mức dưới 50 trong ba tháng 3, 4, 5 vừa qua. Khi chỉ số này dưới 50 thì nguy cơ suy giảm kinh tế gần như là chắc chắn.