Lợi nhuận của các công ty nước ngoài tại Nga bị phong toả. Ảnh: FT.
Hàng tỉ USD lợi nhuận của doanh nghiệp phương Tây bị "đóng băng" ở Nga
Kể từ khi nổ ra cuộc xung đột Nga - Ukraine, các công ty phương Tây còn hoạt động ở Nga đã kiếm được hàng tỉ USD lợi nhuận. Tuy nhiên, các công ty hiện không thể chuyển số lợi nhuận này ra khỏi Nga do hạn chế từ điện Kremlin nhằm vào các quốc gia có thái độ “không thân thiện”.
Lợi nhuận hàng chục tỉ USD
Doanh nghiệp từ những quốc gia như vậy chiếm 18 tỉ trong số 20 tỉ USD lợi nhuận mà công ty nước ngoài tại Nga báo cáo trong năm 2022, theo số liệu do Trường Kinh tế Kiev (KSE) tổng hợp. Nhóm này cũng chiếm khoảng 199 tỉ USD trong tổng số 217 tỉ USD doanh thu mà các công ty nước ngoài đạt được ở thị trường Nga trong năm 2022.
“Chúng tôi không để đánh giá chính xác con số lợi nhuận và doanh thu bị mắc kẹt là bao nhiêu, vì những con số có thể đã tăng lên nhiều sau năm 2022. Hầu hết các doanh nghiệp nước ngoài chỉ công bố báo cáo kết quả kinh doanh theo năm”, ông Andrii Onopriienko, tác giả báo cáo kiêm Phó Giám đốc Phát triển của KSE, cho biết.
Sau khi Nga đưa ra lệnh cấm trả cổ tức đối với các doanh nghiệp đến từ các quốc gia “không thân thiện” gồm Mỹ, Anh và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), lợi nhuận tại Nga của các công ty từ Tập đoàn Dầu khí BP cho đến ngân hàng Mỹ Citigroup đều bị phong toả. Những số liệu doanh thu và lợi nhuận trong chỉ phản ánh tầm quan trọng dài hạn của các công ty phương Tây đối với nền kinh tế Nga mà còn cho thấy tình thế ‘tiến thoái lưỡng nan” mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt.
Nhiều công ty nước ngoài đang tìm cách bán lại công ty con ở Nga, nhưng bất kỳ thương vụ nào cũng cần sự chấp thuận của chính phủ Nga và phải chịu một mức giá bèo bọt. Hãng thuốc lá British American Tobacco và hãng xe tải Thuỵ Điển Volvo mới đây đã công bố thỏa thuận chuyển giao tài sản ở Nga cho các chủ sở hữu mới tại nước này.
Theo dữ liệu từ KSE, trong số các công ty từ các quốc gia “không thân thiện” còn hoạt động ở Nga, ngân hàng Raiffeisen (Áo) ghi nhận lợi nhuận lớn nhất năm 2022, với khoảng 2 tỉ USD. 2 công ty của Mỹ là Philip Morris và PepsiCo lãi 775 triệu USD và 718 triệu USD. Trong khi đó, nhà sản xuất xe tải Scania (Thuỵ Điển) báo lãi 621 triệu USD trong năm 2022, và là một trong số những công ty nước ngoài có lợi nhuận lớn nhất ở Nga trước khi rút khỏi thị trường nước này.
Các doanh nghiệp Mỹ là những công ty lãi nhiều nhất trong số các công ty phương Tây còn hoạt động ở Nga từ sau xung đột, với tổng lợi nhuận lên đến 4,9 tỉ USD trong năm 2022. Tiếp theo sau là các công ty đến từ Đức với 2,4 tỉ USD, Áo với 1,9 tỉ USD và Thuỵ Sĩ là 1 tỉ USD.
Doanh nghiệp "tiến thoái lưỡng nan"
Số lợi nhuận bị kẹt ở Nga khiến các công ty nước ngoài phải chịu thêm nhiều tổn thất giữa bối cảnh căng thẳng Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Các công ty châu Âu đã báo cáo các khoản lỗ và thiệt hại ít nhất 100 tỉ euro ở Nga kể từ khi xung đột nổ ra. Một số công ty đã tìm cách “lách luật”. Năm ngoái, công ty con ở Nga của Tập đoàn Thực phẩm Mars đã chuyển khoảng 800 triệu USD cho công ty mẹ ở Mỹ với lý do “bù trừ nợ”.
Dẫu vậy, việc “tháo chạy” dòng vốn khỏi Nga là điều không hề đơn giản. Các nhà chức trách Nga ngày càng đặt ra nhiều rào cản đối với các doanh nghiệp nước ngoài muốn rút khỏi thị trường nước này. Vào tháng 4/2023, Nga đã thông qua nghị định cho phép chính phủ nước này tạm thời giữ quyền kiểm soát tài sản của công ty hoặc cá nhân đến từ những quốc gia “không thân thiện”
Theo đó, các doanh nghiệp nước ngoài muốn rút khỏi Nga phải có sự chấp thuận từ chính phủ Nga và chịu mức giá rẻ 50% so với giá trị thực. Nước này cũng tịch thu nhiều tài sản và áp lệnh cấm đối với các ngân hàng và công ty năng lượng nước ngoài nếu bán cổ phần mà không có sự thông qua Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Giới quan sát cho rằng các biện pháp hạn chế mà Nga áp lực một phần đến từ mối lo ngại làn sóng tháo chạy của dòng vốn, nhất là trong bối cảnh đồng Rúp mất giá mạnh. Tháng 3/2023, thời điểm trước khi đồng Rúp lao dốc, Tổng thống Vladimir Putin đã phát tín hiệu nới lỏng hạn chế đối với việc trả cổ tức doanh nghiệp nước ngoài còn hoạt động tại Nga. Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau đó, những hạn chế tiếp tục được thực hiện nhằm ngăn chặn đà giảm giá mạnh của đồng Rúp.
Có thể bạn quan tâm:
Đức là nền kinh tế châu Âu duy nhất rơi vào suy thoái năm 2023?
Nguồn FT