Ngoài những hạn chế về lao động tại cảng, công suất tàu sụt giảm cũng khiến tình trạng chậm trễ trở nên căng thẳng hơn. Ảnh: CNBC.

 
Hải Miên Thứ Tư | 09/11/2022 13:46

Hàng nghìn xe BMW, Tesla,... lênh đênh trên biển vì tắc nghẽn nghiêm trọng

Ngoài những hạn chế về lao động tại cảng, công suất tàu sụt giảm cũng khiến tình trạng chậm trễ trở nên căng thẳng hơn.

Cảng Bremerhaven là cảng xuất nhập hàng chính ở Đức, nơi này cũng là một trong những trung tâm ô tô lớn nhất thế giới, và hiện đang trải qua tình trạng tắc nghẽn nghiêm trọng.

Tình trạng thiếu nhân sự vận chuyển container và ô tô ra khỏi cảng, cũng như khối lượng giao dịch cao bất thường, đang khiến nhiều phương tiện phải nằm im trên đường bộ lẫn đường biển, trong đó có loạt ô tô của Tesla, Stellantis, BMW, Renault và Volvo.

Các nhà tư vấn quản lý logistic cho biết hoạt động xuất khẩu ô tô đang bị trì trệ nghiêm trọng.

Ông Andreas Braun, Giám đốc bộ phận sản phẩm hàng hải tại khu vực của Crane Worldwide Logistics, cho biết: “Sự trì trệ hiện tại rất nghiêm trọng. Thời gian nhập khẩu ô tô vào Bremerhaven từ Mỹ và Mexico phải mất hàng tháng trời. Các xe của BMW cũng nằm trong bãi suốt 3 tháng.”

Bremerhaven là cảng tàu container lớn thứ 4 của châu Âu, với công suất hàng năm hơn 5 triệu TEU (đơn vị tương đương 20 feet), vận chuyển hơn 1,7 triệu xe mỗi năm. Theo Bản đồ nhiệt Chuỗi cung ứng của CNBC ở châu Âu, độ tắc nghẽn ở cảng này đang ở mức “vừa phải”.

Hãng cung cấp dữ liệu thương mại VesselsValue cho biết các công ty khai thác đã nhận được thông báo từ Cảng Bremerhaven về tình trạng thiếu tài xế H&H (chở hàng cao và nặng) và các tài xế RORO (chở các loại hàng hóa có bánh xe như ôtô, rơ-moóc, toa tàu). Ngoài ra, các cuộc tập trận quân sự cũng chiếm một phần lớn không gian của cảng, vốn dành cho các nhà khai thác.

Theo ông Dan Nash, Trưởng bộ phận phương tiện vận chuyển và RORO tại VesselsValue, hiện tại các hãng cũng không có đủ phương tiện để vận chuyển đường biển. Tình huống này đã khiến hãng tàu Wallenius Wilhelmsen từ chối các đơn hàng sang Mỹ trong tháng 10 và 11, có thể kéo dài đến tháng 12 nếu thời gian chờ đợi tiếp tục tăng lên.
 
Số liệu của VesselsValue cũng cho thấy, việc các hãng từ chối đơn xuất khẩu ô tô đã giúp giảm thời gian xử lý hàng hóa tại cảng, vốn đã tăng đột biến trong những tháng gần đây và có xu hướng tăng trở lại.

Ngoài những hạn chế về lao động tại cảng, công suất tàu sụt giảm cũng khiến tình trạng chậm trễ trở nên căng thẳng hơn.

Theo dữ liệu của VesselsValue, số tàu trên toàn cầu đang thấp hơn khoảng 13 tàu so với tháng 12/2019. “Đây là kết quả của việc loại bỏ quá nhiều tàu trong năm đầu tiên của COVID-19. Thời gian chờ đợi này dự kiến ​​sẽ kéo dài đến năm 2024 khi các tàu đóng mới bắt đầu được chuyển giao”, ông Nash nói.

 

Trong khi giá đã giảm trên toàn cầu từ mức đỉnh dịch, thì  “tình trạng hiện tại có thể khiến chi phí tiếp tục ở mức cao do các tàu đang hoạt động hết công suất”, ông Nash nhận định. Ngoài ra, nhu cầu ngày càng tăng đối với xe điện từ Trung Quốc cũng gây áp lực lớn đối với cung-cầu trong tương lai.

Trong khi đó, tại cảng Liverpool ở Vương quốc Anh, một cuộc đình công thứ 4 sẽ diễn ra từ ngày 14-21/11, nếu không đạt được thỏa thuận với ban quản lý cảng. Ông Braun cho biết các cuộc đình công này được lên kế hoạch rõ ràng nên sẽ có thêm thời gian để cảng sắp xếp, chuyển hướng giao thương sang nơi khác. Ông cho biết, tài xế xe tải và các lao động phụ thuộc vào việc cảng hoạt động bình thường sẽ chịu ảnh hưởng lớn hơn.

Ông Braun nói: “Nếu không có container ra vào, thì họ không có gì để làm và buộc phải tháo dỡ thùng container và vận chuyển thứ khác. Cuối cùng, khi lượng hàng hóa thấp hơn thì Peel Ports càng có lý do chính đáng để sa thải nhân sự.”

Peel Ports là chủ sở hữu của cảng Liverpool và nhiều cảng khác ở Anh.

Ông Braun cho biết Crane Worldwide Logistics cũng đang đang chuẩn bị để đối mặt với những cuộc đình công khác tại Felixstowe - cảng container lớn nhất nước Anh, và London Heathrow.

Có thể bạn quan tâm: 

Giá khí đốt tự nhiên châu Âu sẽ giảm 30% trong những tháng tới

Nguồn CNBC