Tỉ lệ tiêm chủng tăng mạnh trong tuần này sau khi chính phủ Ấn Độ thực hiện tiêm ngừa miễn phí. Ảnh: AFP.

 
Minh Duy Chủ Nhật | 27/06/2021 18:00

Hàng nghìn người Ấn Độ bị lừa tiêm vaccine COVID-19 giả

Ngay khi vội vàng tiêm vaccine COVID-19 cho mình, người dân nên thực hiện một số biện pháp phòng ngừa cơ bản để ngăn chặn những vụ tiêm vaccine giả tương tự.

Theo The Times of India, ngay cả khi hoạt động tiêm chủng ở Ấn Độ đang tăng nhanh, bóng ma của các cơ sở tiêm chủng giả cũng đang rình rập với 2 thành phố lớn - Mumbai và Kolkata – nơi ghi nhận hơn 2500 nạn nhân của các trại tiêm chủng giả. 

Cảnh sát Ấn Độ cho biết: có khoảng 2.500 người tại 2 thành phố Mumbai và Kolkata đã bị kẻ gian lừa tiêm vaccine COVID-19 giả, trong đó có nhiều người khuyết tật. Những người ở Mumbai bị lừa tiêm dung dịch muối sinh lý thay vì vaccine COVID-19. Vụ lừa đảo này nhằm vào dân cư của một khu nhà cao cấp, 10 người đã bị bắt, bao gồm 2 bác sĩ tại một bệnh viện tư nhân.

Nhiều người đã bị tiêm vaccine COVID-19 giả. Ảnh: Financial Express.
Nhiều người đã bị tiêm vaccine COVID-19 giả. Ảnh: Financial Express.

"Chúng tôi phát hiện thêm 8 cơ sở tiêm vaccine giả do đường dây lừa đảo này điều hành", ủy viên phụ trách luật và trật tự Vishwas Patil cho biết trong cuộc họp báo hôm 25.6. Cảnh sát đã thu 1,24 triệu rupee (16.700 USD) mà nhóm lừa đảo chiếm đoạt từ các nạn nhân bằng việc tiêm vaccine giả.

Trong khi đó, cảnh sát thành phố Kolkata cũng đã bắt một người đàn ông đóng giả làm công chức nhà nước với bằng thạc sĩ di truyền học điều hành 8 cơ sở tiêm vaccine COVID-19 giả. Gần 500 dân Kolkata có thể đã bị tiêm vaccine giả, trong đó gồm ít nhất 250 người khuyết tật và chuyển giới.

Ông Atin Ghosh - một quan chức thành phố Kolkata cho biết: các lọ thủy tinh bị tịch thu dán đè nhãn Covishield, thương hiệu tại Ấn Độ của vaccine COVID-19 do AstraZeneca sản xuất.

"Nhãn Covishield được dán đè trên nhãn Amikacin Sulphate 500 mg, một loại kháng sinh điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu, xương, não, phổi và máu do vi khuẩn", Ghosh nói.

Vụ lừa đảo được đưa ra ánh sáng sau khi nữ diễn viên và chính trị gia Mimi Chakraborty, người tới một trong các cơ sở trên để tiêm vaccine nhằm nâng cao nhận thức của dân chúng, cảm thấy nghi ngờ và báo cảnh sát.

Cảnh sát Kolkata đã thu giữ các căn cước giả của nghi phạm điều hành 8 cơ sở tiêm vaccine giả, gồm một căn cước của quan chức cơ quan thông tin và truyền thông cùng một căn cước của ủy viên thành phố. Xe của nghi phạm dán nhãn của chính quyền thành phố Kolkata.

Một quan chức y tế Debashis Barui của thành phố Kolkata cho biết: nhiều người bị tiêm vaccine giả cảm thấy "hoảng sợ" trước tác dụng phụ có thể xảy ra. Nếu có bất cứ trường hợp khẩn cấp nào xảy ra, cơ quan quản lý nhà nước sẽ lập các cơ sở y tế trong khu vực để chăm sóc những người bị tiêm vaccine giả".

Hồi đầu tuần, Tòa án Tối cao Bombay đã chỉ đạo chính phủ Maharashtra và Tổng công ty Thành phố Brihanmumbai (BMC) hình thành chính sách trên "cơ sở SOS" để tránh các vụ việc tiêm chủng giả mạo tương tự như vụ lừa đảo bị cáo buộc trong khu nhà ở Hiranandani Heritage ở Mumbai.

Ấn Độ đang đẩy mạnh chương trình tiêm chủng sau đợt bùng phát nghiêm trọng hồi tháng 4-5. Nước này đã tiêm hơn 300 triệu liều vaccine, trong đó gần 258 triệu người được tiêm ít nhất một mũi và hơn 52 triệu người hoàn thành liệu trình, theo thống kê của Our World in Data.

Có thể bạn quan tâm:

Singapore chuẩn bị chung sống bình thường với COVID-19