Hàng loạt ngân hàng Mỹ phá sản trong nửa đầu 2012
Tập đoàn Republic Bank & Trust, trụ sở tại Louisville đã đồng ý mua lại toàn bộ tài sản của ngân hàng First Commercial.
Tính từ đầu năm, Mỹ có 41 ngân hàng đóng cửa. Tuy nhiên, tốc độ sụp đổ của các ngân hàng Mỹ trong năm nay chậm hơn so với năm 2011, với 70 ngân hàng phải đóng cửa vào khoảng thời gian này trong năm ngoái.
Tình trạng các ngân hàng bị đóng cửa đã giảm mạnh kể từ khi đạt đỉnh vào năm 2010 trong bối cảnh khủng hoảng tài chính. Năm 2007, có 3 ngân hàng Mỹ phải đóng cửa, và tăng lên 25 ngân hàng trong năm 2008, tiếp tục tăng vọt lên 150 ngân hàng phải đóng cửa trong năm 2009.
Trong năm 2010, các nhà điều tiết Mỹ đã đóng cửa 157 ngân hàng, số lượng nhiều nhất kể từ khi cuộc khủng hoảng về tiết kiệm và cho vay xảy ra 2 thập kỷ trước.
Trong giai đoạn từ năm 2008 đến năm 2011, sự sụp đổ của các ngân hàng đã tiêu tốn của FDIC 88 tỷ USD và quỹ này đã gần cạn tiền trong năm 2009. Tuy nhiên, với tốc độ sụp đổ của các ngân hàng chậm lại, số dư của quỹ đã tăng lên trong quý II năm ngoái và đạt 11,8 tỷ USD vào ngày 31/12, FDIC cho biết.
Trong quý I năm nay, các ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính nằm trong diện bảo hiểm của FDIC đã thu được khoản lợi nhuận tổng cộng 35,3 tỷ USD, tăng 6,6 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2011. Quý I vừa qua là quý thứ 11 liên tiếp lợi nhuận của các ngân hàng thương mại của Mỹ gia tăng.
FDIC cũng dự đoán sự sụp đổ của các ngân hàng sẽ tiêu tốn tổng chi phí bảo hiểm tiền gửi của quỹ 12 tỷ USD trong giai đoạn năm 2012-2016.
Nguồn Huffington Post/Khampha