Hàng loạt ngân hàng lớn của châu Âu bị hạ triển vọng xếp hạng tín nhiệm
Các chuyên gia giám sát tài chính đã tăng cường các quy định nhằm hạn chế các đợt cứu trợ cho những ngân hàng rơi vào tình trạng khó khăn kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 xảy ra. S&P cho biết, Thụy Sĩ và Anh là 2 trong số nhiều nước tuyên bố ý định sẽ sử dụng quyền lực để "khai tử" các ngân hàng đang gặp khó khăn với mục đích giảm bớt gánh nặng lên chính phủ.
Quốc hội châu Âu đã thông qua dự luật của tháng 4, trong đó yêu cầu các ngân hàng đang gặp khó khăn phải "xóa sổ" 8% số nợ trước khi cầu cứu viện trợ từ các quỹ gây vốn và cơ sở hỗ trợ khác (backstop). Kế hoạch này là một phần nỗ lực để những người nắm giữ trái phiếu không bảo đảm có thể cùng nhau "chia sẻ" phần thiệt hại khi các ngân hàng yêu cầu cứu trợ.
Quy định này sẽ phải được chính phủ của 28 nước Liên minh châu Âu (EU) thông qua. Theo Ủy ban châu Âu, chính phủ các nước EU đã phải chi 592 tỷ euro để hỗ trợ các ngân hàng kể từ tháng 10/2008 cho đến cuối năm 2013.
S&P cho biết, giới chức châu Âu đang từng bước nâng cao khả năng giải quyết khó khăn của khối ngân hàng và yêu cầu các chủ nợ - chứ không phải là người nộp thuế - phải chịu chi phí của những lần thất bại.
Credit Suisse, UBS và Barclays là 3 trong số các tập đoàn có công ty mẹ hoặc nhánh ngân hàng bị hạ triển vọng xuống mức tiêu cực.
Xếp hạng của Deutsche Bank tại S&P đã bị hạ xuống mức A trong tháng 7/2013. Barclays và Credit Suisse bị hạ xếp hạng triển vọng xuống mức A- vì S&P cho rằng, các quy định mới và điều kiện thị trường bất ổn đe dọa đến hoạt động kinh doanh của 2 tập đoàn này.
S&P dự kiến sẽ tổ chức hội đàm về các hạng tín nhiệm vào lúc 14h00 giờ London.
Nguồn Theo DVO/ Bloomberg