Thứ Ba | 14/05/2013 15:32

Hàng loạt ngân hàng đòi điều tra Bloomberg vì làm lộ bí mật khách hàng

Bloomberg vừa bất ngờ để lộ hơn 10.000 tin nhắn cá nhân có chứa dữ liệu nhạy cảm trao đổi qua lại giữa những người sử dụng dịch vụ Bloomberg Terminal.
Theo Financial Times, các tin nhắn này chứa nội dung trao đổi bí mật giữa các thương nhân tại hàng chục ngân hàng lớn nhất thế giới với khách hàng của họ. Các tin nhắn còn bao gồm thông tin thương mại và các chi tiết bí mật khác từ các ngân hàng toàn cầu bao gồm Barclays, Citigroup, Deutsche Bank, Goldman Sachs, HSBC, Nomura JPMorgan và Morgan Stanley.

Các tài liệu này sau đó được các khách hàng gửi lại để Bloomberg có thể trích xuất dữ liệu về giá cả để sử dụng cho các trái phiếu, các giao dịch hoán đổi tín dụng và các sản phẩm tài chính khác.

Hiện nay, doanh thu của Bloomberg, đối thủ chính của Thompson Reuters - công ty mẹ của hãng tin Reuters, phần lớn đến từ việc bán dịch vụ Terminal cho các tổ chức tài chính. Bloomberg có hơn 315.000 thuê bao Terminal trên toàn cầu, mỗi terminal có giá hơn 20.000 USD/năm. Năm ngoái, doanh thu của Bloomberg đạt 7,9 tỷ USD.

Theo một chuyên gia về các thị trường tài chính, những tin nhắn này có thể dễ dàng tìm thấy trên Google, điều này chứng tỏ Bloomberg không hề giữ bí mật cho các khách hàng trong suốt ngần ấy năm.

Bên cạnh đó, các tin nhắn còn để lộ cả một số thông tin cực kỳ quan trọng của khách hàng như nhân dạng, tên thật, địa chỉ email cũng như các thông tin tuyệt mật về giá tài chính và hoạt động giao dịch.

Vụ rò rỉ thông tin mật này thực sự là một đòn giáng mạnh vào niềm tin của khách hàng đối với Bloomberg, đặc biệt trong bối cảnh công ty đang nỗ lực khôi phục niềm tin của người dùng vào khả năng giữ bí mật thông tin khách hàng. Trước đó, Goldman Sachs cũng lên tiếng khiếu nại về cơ chế bảo mật của Bloomberg và các nhà báo của công ty có thể theo dõi thời điểm khách hàng truy cập dịch vụ cũng như các chức năng mà họ sử dụng.

Các tin nhắn bị rò rỉ được đăng tải lên mạng internet bởi Steve Raaen, một cựu nhân viên của Bloomberg, khi ông này thực hiện dự án khai thác dữ liệu có lợi cho khách hàng của một công ty khác. Ông Raaen, người đã rời Bloomberg vào tháng 3/2011, từ chối bình luận về vụ việc này. Trong khi đó, đại diện Bloomberg khẳng định hành động của ông Raaen là vi phạm chính sách của công ty và xem xét thực hiện các hành động pháp lý với vị cựu nhân viên này.

Vụ rò rỉ cũng khiến nhiều ngân hàng thế giới tức giận và quyết định mở cuộc điều tra về vụ việc này. Ngay trong hôm nay, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ), Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và ngân hàng Bundesbank của Đức đã ngay lập tức liên hệ với Bloomberg để làm rõ vụ việc. Trong khi đó, Cục Dữ trữ liên bang Mỹ (Fed), bộ Tài chính Mỹ và JPMorgan cùng 20 khách hàng khác cũng yêu cầu Bloomberg giải trính rõ vụ rò rỉ.

Bảo mật dữ liệu luôn là một trong những vấn đề nan giải nhất của Bloomberg, bản thân nhà sáng lập Michael Bloomberg thừa nhận. "Thông thường, vấn đề an ninh dữ liệu thường bị các doanh nghiệp thổi phồng và cho rằng họ có nhiều cách để bảo vệ bí mật của mình. Tuy nhiên, mất mát và rò rỉ dữ liệu cũng là chi phí kinh doanh. Bạn phải làm quen với nó. Trong khi một số các rào cản có vẻ hợp lý thì số còn lại đều hết sức vô lý", thị trưởng New York viết.

Trong khi đó, tổng biên tập của Bloomberg News, ông Matthew Winkler thì nhấn mạnh Bloomberg chưa bao giờ thỏa thuận sẽ bảo vệ an toàn tuyệt đối các dữ liệu trong các bài báo, và rằng các nhà báo của Bloomberg luôn tuân thủ những tiêu chuẩn nghiêm ngặt nhất trong kinh doanh.

Nguồn FT/Dân Việt


Sự kiện