Thứ Ba | 28/05/2013 07:13

Hàng loạt hãng tàu ngừng vận chuyển hàng hóa tới Iran

Quyết định trên là nhằm đáp ứng các lệnh trừng phạt mới của Mỹ trong tháng 7 để gây khó khăn hơn nữa cho chính quyền Iran.
Trong năm qua, số lần cập cảng biển Iran của các hãng tàu quốc tế đã giảm đáng kể, trong đó nhiều hãng lớn như AP Møller-Maersk A/S của Đan Mạch, Công ty vận tải biển Địa Trung Hải hay CMA CGM của Pháp đều tuyên bố ngừng vận chuyển tới Iran và không còn ghé tới quốc gia Hồi giáo này nữa.

Trong những tuần gần đây, số lượng các công ty vận chuyển tuyên bố ngừng các chuyến tàu tới Iran ngày một gia tăng. United Arab Shipping và Simatech Shipping LLC là 2 cái tên mới nhất tuyên bố sẽ ngừng nhận hàng đến và đi từ Iran.

Nhà phân tích Daniel Richards của công ty vận chuyển Business Monitor International cho biết: "Mặc dù thực phẩm, thuốc men và các hàng hóa nhân đạo nằm trong diện được miễn trừ trừng phạt, song các công ty vận chuyển hàng hóa tỏ ra rất thận trọng đối với các lệnh trừng phạt mới".

Ông Richards cũng cho biết Iran sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong thời gian tới để có được các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm và hàng hóa tiêu dùng, khi ngày càng nhiều công ty vận chuyển quay lưng với đất nước, thậm chí cả các nhà vận chuyển địa phương cũng bắt đầu né tránh làm việc với chính phủ.

Theo các lệnh trừng phạt mới đối với Iran, dự kiến có hiệu lực vào đầu tháng 7 tới, Mỹ tuyên bố sẽ phạt nặng mọi công ty vận chuyển nếu như họ cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ đáng kể cho Iran, trong đó bao gồm cả công ty chở dầu quốc gia, công ty hàng hải và mọi tổ chức vận chuyển của Iran.

Một số nhà phân tích cho biết việc ngừng làm ăn kinh doanh với Iran cũng gây thiệt hại không nhỏ có các công ty vận tải, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng thế giới suy yếu trong khi nguồn cung thì ngày một dư thừa khiến họ phải liên tục hạ cước phí vận chuyển.

Theo ước tính sơ bộ, nhu cầu vận chuyển thấp cùng với tình hình kinh tế Iran sẽ khiến lượng vận chuyển hàng hóa tới cảng chính Bandar Abbas của Iran giảm khoảng 18% xuống 1,63 triệu tấn hàng trong năm nay so với năm 2012.

Nguồn WSJ/Dân Việt


Sự kiện