Ảnh: Nikkei Asian Review

 
Vũ Hạo Thứ Bảy | 14/03/2020 11:21

Hàng loạt công ty Trung Quốc cắt giảm lương vì dịch Covid-19

Ngày càng nhiều công ty Trung Quốc cắt giảm tiền lương nhân viên khi dịch Covid-19 giáng đòn nặng nề đến cả nền kinh tế.

Hầu hết người lao động đều chấp nhận cắt giảm tiền lương vì triển vọng việc làm không mấy sáng sủa trong bối cảnh dịch Covid-19.

Vừa ghi nhận doanh số giảm gần 80% trong tháng trước, ngành xe hơi Trung Quốc tỏ ra quyết liệt cắt giảm tiền lương. SAIC Motor – nhà sản xuất xe hơi lớn nhất của Trung Quốc ở Thượng Hải – đã và đang đàm phán với những người lao động và thực hiện các phiên truyền tải thông tin trong nhóm người lao động kể từ đầu tháng này.

SAIC Maxus Automotive, công ty con chuyên về xe thể thao đa dụng của SAIC Motor – được cho là sẽ giảm tiền lương tính theo thành quả, vốn chiếm 35% tổng tiền lương. Một số phúc lợi của nhân viên cũng rơi vào cảnh “cá nằm trên thớt”.

Nguồn tin Nikkei cho biết SAIC Maxus xác nhận đợt cắt giảm tiền lương sẽ áp dụng chủ yếu với các giám đốc điều hành. Tuy nhiên, công ty cho biết các người lao động trong dây chuyền sản xuất sẽ không bị ảnh hưởng và tiền lương cơ bản sẽ vẫn giữ nguyên.

Nhà cung ứng thiết bị xe hơi trực thuộc SAIC, Shanghai Huizhong Automotive Manufacturing được cho là sẽ giảm tiền lương khoảng 20% kể từ tháng này. Công ty sẽ ưu tiên nắm giữ tiền mặt khi phải đối diện với đà giảm doanh số trong tháng trước.

Lĩnh vực bán lẻ cũng bù đắp một phần tác động của virus corona bằng cách giảm bớt chi phí lao động. Miniso – vốn vận hành chuỗi cửa hàng bán lẻ trong và ngoài Trung Quốc – cho biết sẽ cắt giảm tiền lương 30-50% trong tháng 3/2020. Nhân viên được yêu cầu ở nhà sẽ nhận được 30% tiền lương bình thường.

Ngành công nghệ cũng không miễn nhiễm. Công ty bán xe hơi đã qua sử dụng trên mạng Uxin Group đã thực hiện cắt giảm tiền lương 20-30%. Chehaoduo – nền tảng giao dịch xe hơi đã qua sử dụng – được cho là đã yêu cầu những người lao động ở nhà cho đến tháng 5/2020.

Trang web quảng cáo 58.com đã yêu cầu nhân viên ở một số khu vực nghỉ phép 1 lần 1 tuần. “Tiền lương hàng tháng sẽ bị giảm 500 nhân dân tệ (tương đương 70 USD) và phần lớn chi phí viễn thông sẽ phải trả từ tiền túi nhân viên”, một nhân viên công ty cho biết.

Mặc dù đời sống dần dần trở lại bình thường ở Trung Quốc, nhưng vẫn có sự giới hạn đi lại giữa các tỉnh và thành phố. Nhiều công ty đã hủy các cuộc họp trực tiếp với khách hàng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, còn có suy đoán cho rằng các doanh nghiệp muốn giảm chi phí lao động bằng cách kêu gọi nhân viên làm ở nhà.

Thậm chí khi các công ty giảm tiền lương, phần lớn họ đều không sa thải nhân viên để đúng với thông điệp của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Bên cạnh việc triển khai chương trình kích thích doanh nghiệp, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết thực hiện các chính sách bình ổn việc làm mạnh mẽ.

Thành phố Bắc Kinh đã thông báo cho phép các công ty tạm thời đình chỉ người lao động, miễn là nhân viên đó đồng ý và những người bị ảnh hưởng sẽ nhận 70% tiền lương tối thiểu.

Các quan chức sẵn sàng cắt giả đáng kể tiền lương nếu họ có thể không phải sa thải nhân viên quy mô lớn. Dựa trên một ước tính của Goldman Sachs, tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt lên 6% trong quý 2/2020, tăng từ mức 5,2% tại cuối năm 2019.

Một số công ty đang cắt giảm nhân viên.

Start-up về quảng cáo Xinchao Media đang sa thải 500 nhân viên, tương đương 10% lực lượng lao động của công ty. Xinchao từng được coi là “kỳ lân” đầy hứa hẹn trị giá hơn 1 tỷ USD. Công ty cho biết họ có gần 1 tỷ nhân dân tệ quỹ dự trữ, đủ để tồn tại 6-7 tháng. Tuy nhiên, khả năng tồn tại của Xinchao giờ đã bị nghi ngờ.

Mặc dù phản đối việc cắt giảm lương, nhưng nhiều nhân viên nhìn thấy không có khả năng nâng tiền lương của họ bằng cách chuyển đổi công việc. Tăng trưởng tiền lương đã chậm lại trong 2 năm qua.

“Tôi sẽ ở lại công ty trong thời gian tới”, một nhân viên tại 58.com cho biết.

* Hậu Covid-19, chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ mở rộng ra nhiều quốc gia hơn và vững chãi hơn bao giờ hết?

* Những bài toán nan giải của Trung Quốc vào thời điểm khởi động lại nền kinh tế

Nguồn Nikkei Asian Review