Ảnh: Nikkei Asian Review.
Hàng hóa Trung Quốc tìm đường vòng sang Mỹ để né thuế quan
Việc Mỹ tăng thuế quan với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đang làm thay đổi mô hình thương mại thế giới, khi các công ty xuất khẩu thông qua các nước thứ 3 để né tránh các khoản thuế.
Xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ giảm 15,2 tỷ USD, tương đương 12%, trong quý I/2019 so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhưng một phân tích được thực hiện bởi NikkeiAsian Review (Nikkei) cho thấy trong khi xuất khẩu máy móc, thiết bị điện và một số sản phẩm khác từ Trung Quốc sang Mỹ đã cho thấy sự sụt giảm đặc biệt mạnh mẽ, xuất khẩu những mặt hàng như vậy từ Trung Quốc đến Mỹ thông qua Việt Nam, Đài Loan và Mexico đã tăng lên trong cùng kỳ.
► Trump đang mở rộng chiến tranh thương mại ra toàn cầu
Trong khi các công ty cũng có xu hướng chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các nơi khác trên thế giới để tránh thuế nhập khẩu của Mỹ, thì khả năng "xuất khẩu đường vòng", theo hướng giả mạo nguồn gốc sản phẩm cũng đang tăng lên.
Nikkei đã phân tích sự luân chuyển hàng hóa giữa Mỹ, Trung Quốc và phần còn lại của thế giới dựa trên dữ liệu từ Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ và Trung tâm Thương mại Quốc tế.
5 mặt hàng chủ chốt có sự sụt giảm lớn nhất đã được phân tích gồm: máy móc và các bộ phận; thiết bị điện và các bộ phận; đồ nội thất; đồ chơi; và thiết bị phụ tùng ô tô.
Trong quý đầu tiên của năm nay, xuất khẩu máy móc và phụ tùng từ Mỹ sang Trung Quốc đã giảm 5,77 tỷ USD so với một năm trước đó, trong khi xuất khẩu thiết bị điện và phụ tùng giảm 4,46 tỷ USD so với cùng kỳ.
Ngoại trừ mặt hàng đồ chơi, 4/5 mặt hàng này đã trở thành đối tượng của 3 vòng áp thuế nhập khẩu mà chính quyền của Tổng thống Mỹ, Donald Trump đã thực hiện.
Trong khi xuất khẩu của 5 mặt hàng kể trên từ Trung Quốc sang Mỹ trong quý I/2019 giảm 16%, tương đương với giá trị 12,2 tỷ USD, thì xuất khẩu từ Trung Quốc sang các nước đang phát triển và từ các nước đang phát triển sang Mỹ nhìn chung là tăng. Xuất khẩu qua Việt Nam, Đài Loan và Mexico đặc biệt tăng cao.
Trong quý I/2019, xuất khẩu của 5 mặt hàng trên từ Trung Quốc sang Việt Nam tăng 1,5 tỷ USD, tương đương mức tăng 20%, trong khi xuất khẩu của 5 mặt hàng này từ Việt Nam sang Mỹ tăng 2,7 tỷ USD, tương đương 58%.
Giá trị xuất khẩu từ Trung Quốc các các nước và từ các nước này sang Mỹ. Ảnh: Nikkei. |
Cũng trong quý I/2019, xuất khẩu của 5 mặt hàng kể trên từ Trung Quốc sang Đài Loan đã tăng 1,4 tỷ USD, tương đương 23%, trong khi xuất khẩu từ Đài Loan sang Mỹ tăng thêm 2,0 tỷ USD, tương đương 31%.
Xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ qua ngả Mexico cũng tăng. Xuất khẩu của Mexico sang Mỹ đã vượt qua Trung Quốc để trở thành nguồn cung cấp lớn nhất cho Mỹ trong tháng 3.
Những phát triển này diễn ra khi các công ty có cơ sở sản xuất ở Trung Quốc đang ngày càng có xu hướng ngưng hoặc giảm xuất khẩu trực tiếp sang Mỹ, thay vào đó họ gửi nguyên liệu và phụ tùng tới các nước châu Á và Mexico, nơi chúng được hoàn thành và sau đó được chuyển đến Mỹ.
Nhà cung cấp dịch vụ sản xuất điện tử Đài Loan Compal Electronics đã chuyển một số hoạt động sản xuất bộ định tuyến và máy tính cá nhân để bàn từ Trung Quốc sang Đài Loan và Việt Nam, Chủ tịch công ty Martin Wong cho biết.
Brooks Sports, một nhà sản xuất giày chạy bộ của Mỹ, có kế hoạch di dời hầu hết các hoạt động sản xuất tại Trung Quốc sang Việt Nam, theo một báo cáo gần đây. Nhà sản xuất máy ảnh của Mỹ, GoPro cũng đang lên kế hoạch chuyển việc sản xuất hàng hóa dành cho Mỹ từ Trung Quốc sang Mexico.
Xuất khẩu gián tiếp sang Mỹ từ Trung Quốc cũng được đánh giá là đang tăng lên, mặc dù không có dữ liệu cụ thể. Một công ty ngành giao nhận&hậu cần ở Thâm Quyến xuất khẩu hàng sang Mỹ, thông qua Malaysia với giá 17.000 Nhân dân tệ (2.460 USD) cho mỗi container lớn, một quan chức của công ty nói với Nikkei Asian Review, và cho biết thêm rằng xuất khẩu đường vòng như vậy đang tăng lên.
Các công ty Trung Quốc có thể vận chuyển các mặt hàng đến các nước châu Á khác và đóng gói tại đó để ngụy trang nơi xuất xứ của chúng.
Ví dụ, cuối năm 2018, Tổng cục Hải quan Việt Nam phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I kiểm tra một lô hàng nhập khẩu từ Trung Quốc phát hiện trên 600 chiếc loa kéo giả mạo xuất xứ Việt Nam. Trong quá trình làm thủ tục khi nhập khẩu lô hàng, doanh nghiệp chỉ khai báo mặt hàng loa kéo, không nhãn hiệu, xuất xứ Trung Quốc. Nhưng trên thực tế, trên bao bì toàn bộ sản phẩm lại được ghi hàng hóa xuất xứ Việt Nam (Made in Viet Nam) và địa chỉ doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam
Những thay đổi trong cấu trúc thương mại liên quan đến Mỹ, Trung Quốc và các nước châu Á khác có thể còn nhiều hơn nữa. Chính phủ Mỹ có kế hoạch tăng thuế đối với lượng hàng nhập khẩu khác của Trung Quốc trị giá 300 tỷ USD, bao gồm cả những mặt hàng trong lĩnh vực công nghệ cao, lên 25%. Nếu điều này được hiện thực hóa, "sự chuyển dịch sản xuất các sản phẩm như chất bán dẫn sang các nước châu Á sẽ gia tăng", Koji Sako, một nhà kinh tế cấp cao tại Viện nghiên cứu Mizuho, cho biết.
Đối mặt với việc xuất khẩu sang Mỹ suy giảm, Trung Quốc sẽ tìm cách bù đắp bằng cách tăng lượng xuất khẩu thông qua các nước khác ở châu Á và một số khu vực khác của thế giới.
Nguồn Nikkei Asian Review