Thứ Năm | 18/10/2012 16:41

Hàn Quốc được và mất gì do căng thẳng Trung - Nhật?

Kinh tế Hàn Quốc không được hưởng lợi nếu căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc kéo dài làm phá hủy mạng lưới thương mại trong khu vực.
Ngành du lịch và ô tô Hàn Quốc hưởng lợi

Tranh chấp biển đảo đã khiến hoạt động kinh doanh xe hơi của Nhật Bản tại Trung Quốc bị tổn thất nặng nề. Sự tẩy chay của người tiêu dùng Trung Quốc đã khiến cho các nhà sản xuất Nhật Bản thực sự điêu đứng. Trong khi đó, các hãng ô tô Hàn Quốc đã công bố doanh số bán hàng kỷ lục của họ tại thị trường Trung Quốc trong tháng 9.

Hyundai và Kia cho biết, tổng doanh số bán hàng tháng trước của họ đã tăng 9,5% so với 1 năm trước đó từ 116.763 xe vào tháng 9 năm ngoái lên mức kỷ lục 127.827 xe. Hãng này cũng ước tính họ sẽ vượt mục tiêu bán 1,25 triệu xe trong năm 2012 tại thị trường hàng xe hơi hàng đầu thế giới này.

Trong khi đó, ngành du lịch của Hàn Quốc cũng đã bùng nổ trong thời gian qua khi du khách từ hai quốc gia tranh chấp đổ xô tới Hàn Quốc.

Được hưởng lợi nhưng không vui

Mặc dù thu được những lợi ích nhất định nhưng bộ trưởng thương mại Hàn Quốc Bark Tae-ho cho rằng, Seoul không “ngồi đó và gặm nhấm hạnh phúc!”.

"Nếu như vấn đề về tranh chấp lãnh thổ kéo dài, tôi không nghĩ Hàn Quốc được hưởng lợi. Căng thẳng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến mối quan hệ hợp tác đa phương giữa ba quốc gia Hàn- Nhật-Trung", ông Bark phát biểu bên lề một hội nghị mới đây tại thủ đô Seoul.

Mỗi thành viên trong 3 nước đều là đối tác thương mại quan trọng của nhau. Và mối quan hệ hợp tác kinh tế bộ ba có thể bị phá vỡ nếu như căng thẳng Nhật-Trung kéo dài.

Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng, căng thẳng chính trị Nhật-Trung leo thang có thể tác động tiêu cực đến những đàm phán về thỏa thuận thương mại tự do giữa Nhật Bản-Trung Quốc và Hàn Quốc sẽ diễn ra vào tháng 11 tới.

Bộ trưởng thương mại Hàn Quốc Bark Tae-ho
Bộ trưởng thương mại Hàn Quốc Bark Tae-ho

Tranh chấp lãnh thổ có thể mang đến sự bất ổn cho thỏa thuận thương mại tự do cũng như cản trở nỗ lực thúc đẩy hoạt động thương mại và đầu tư tự do giữa 3 quốc gia, ông Zhang Jianping, chuyên gia kinh tế Trung Quốc đến từ Ủy ban cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc cho biết.

Trung Quốc đã đề xuất một khu kinh tế đặc biệt tại tỉnh Sơn Đông năm 2011 với chủ trương tạo điều kiện cho tiến trình hợp tác kinh tế với Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy nhiên, trong bối cảnh căng thẳng như hiện nay thì thật khó nói trước được điều gì.

Tình trạng người dân Trung Quốc tẩy chay hàng hóa và dịch vụ Nhật Bản đã giáng một đòn mạnh vào các khu vực du kịch, sản xuất, đầu tư và thương mại. Các dịch vụ tài chính cũng không phải là ngoại lệ.

Hợp tác thương mại có ý nghĩa quan trọng

Các quan chức Hàn Quốc khẳng định, hợp tác thương mại giữa ba quốc gia có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc phát triển kinh tế. Hồi tháng 7 vừa qua, tập đoàn Nissan cho biết, họ sẽ chuyển một số cơ sở sang Hàn Quốc bên cạnh sự di chuyển các cơ sở sản xuất và nghiên cứu của khá nhiều công ty Nhật Bản khác.

Trở lại vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản về một số hòn đảo nhỏ, bộ trưởng Bark khẳng định tranh chấp này đã có những tác động nhất định lên hoạt động thương mại và kinh doanh giữa hai nước nhưng về cơ bản, hiện nay tình hình đã trở lại bình thường.

Mặc dù căng thẳng khu vực nhưng các bên, đặc biệt là Hàn Quốc đang nỗ lực trong việc xúc tiến đàm phán về hiệp định thương mại. Các nhà lãnh đạo 3 quốc qua đang sắp xếp cho cuộc gặp vào tháng tới tại Campuchia để thúc đẩy đàm phán cấp cao.

Xúc tiến các thỏa thuận thương mại tự do là một trong những chiến lược được chính phủ Hàn Quốc rất coi trọng. Tháng 3 vừa qua, Hàn Quốc và Mỹ đã hoàn tất thỏa thuận thương mại tự do. Kể từ thời điểm đó, khối lượng hàng hóa nhập khẩu của Hàn Quốc từ Mỹ giảm trong khi xuất khẩu gia tăng trong khi Mỹ thì ngược lại.

Mỗi thành viên trong 3 nước đều là đối tác thương mại quan trọng của nhau
Mỗi thành viên trong 3 nước đều là đối tác thương mại quan trọng của nhau

Cũng mới đây, bộ trưởng thương mại Bark đã bác bỏ ý kiến của một số thành viên trong chính phủ Pháp cho rằng Hàn Quốc đang bán hạ giá xe hơi ra thị trường nước ngoài.

“Các công ty sản xuất ô tô của Pháp đang làm việc không hiệu quả”, ông nói. Các bộ trưởng Pháp đã phải kêu gọi liên minh châu Âu xem về khoảng cách ngày càng gia tăng giữa lượng xuất và nhập khẩu ô tô của nước này.

Cuối năm nay, Hàn Quốc sẽ tiến hành bầu cử để chọn một tổng thống mới, người sẽ nhậm chức vào tháng 2/2013 với nhiệm kỳ 5 năm. Chỉ còn vài tháng nắm giữ cương vị lãnh đạo, chính quyền của tổng thống Lee Myung-bak đang nỗ lực hết sức tạo nên những bước tiến tích cực trong các đàm phán về thỏa thuận thương mại tự do với các nền kinh tế đối tác trong đó có Canada, ông Bark cho biết. Chính phủ cũng sẽ cố gắng khẳng định với chính phủ mới về tầm quan trọng của việc thực hiện chiến lược này.

"Chúng ta cần một thị trường kinh tế lớn hơn để hợp tác. Cái chúng ta mong muốn không chỉ là khối lượng giao dịch thương mại lớn mà còn là sự gia tăng về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào Hàn Quốc bởi các công ty của chúng ta đang chuyển vốn ra nước ngoài", ông Bark nói.

Nguồn VEF


Sự kiện