Hàn Quốc đã sẵn sàng cho nữ tổng thống đầu tiên trong lịch sử?
Không có nhiều quyền lợi hơn cho phụ nữ
Bà Park gặp phải một số trở ngại nhất định khi là con gái của nhà lãnh đạo độc tài đã quá cố Park Chung-hee. Bà cũng chưa từng kết hôn và không có con – điều khiến bà mất đi vị trí dẫn đầu trong cuộc trưng cầu dân ý trước cuộc bầu cử diễn ra ngày 19/12 tới.
“Ứng viên Park không giống như những người phụ nữ khác. Bà chưa từng trải qua những vấn đề như sinh ra và nuôi nấng cũng như giáo dục con cái hay biết được giá rau củ quả”, Park Kwang-on, người phát ngôn cho đối thủ của bà là ông Moon Jae-in đã đưa ra nhận định trên để công kích bà.
Hàn Quốc đã vươn lên từ “đống tro tàn” sau thời kỳ nội chiến từ năm 1950 đến 1953 để trở thành quốc gia giàu thứ 14 thế giới như hiện nay. Số lượng nữ giới theo học đại học cũng rất lớn.
Mặc dù vậy, nước này chỉ xếp thứ 108 trên tổng số 135 nước trong bảng xếp hạng về bình đẳng nam - nữ năm 2012 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF). Số tiền mà nữ giới kiếm ra thấp hơn 39% so với nam giới - khoảng cách lớn nhất trong các nước thuộc nhóm OCED.
Tuy nhiên, chí ít thì theo các chính sách được đưa ra trong chiến dịch tranh cử, bà Park sẽ không giải quyết vấn đề này 1 cách mạnh mẽ hoặc tạo ra bước ngoặt lớn đối với phụ nữ Hàn Quốc, đặc biệt là những người gặp khó khăn khi cân bằng giữa công việc và con cái.
Trong khi đó, những chính sách mà bà đưa ra lại không có nhiều tác dụng và điều này có thể làm tổn hại đến tăng trưởng trong dài hạn. Đề xuất kéo dài thời gian cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ nhỏ miễn phí đến 10h tối có thể làm gia tăng văn hóa làm việc nhiều giờ của Hàn Quốc trong khi miễn học phí đại học cho đứa con thứ 3 là không cần thiết bởi Hàn Quốc là nước có tỷ lệ sinh thấp nhất trong khối OECD.
Theo kết quả nghiên cứu từ McKinsey, nếu Hàn Quốc muốn lọt vào top 10 nền kinh tế mạnh nhất thế giới xét trên tiêu chí thu nhập bình quân đầu người, quốc gia này sẽ phải tạo thêm 3 triệu việc làm, trong đó có 1,2 triệu việc có trình độ cao. Do không còn cơ hội để tăng số lao động nam có trình độ đại học, Hàn Quốc sẽ phải thay đổi cách đối xử với lao động nữ.
Rào chắn vô hình
Bà Park đã từng nói rằng Hàn Quốc sẽ có được bước khởi đầu quan trọng để loại bỏ những rào chắn vô hình đối với xã hội Hàn Quốc. Tuy nhiên, giới phê bình cho rằng bà Park đã thổi phồng sự thực. Nhiều người nhận định bà không phải là 1 biểu tượng của bình đẳng giới.
Đã nhiều lần bà Park tự so sánh bản thân với bà Margaret Thatcher - "người đàn bà thép" đã lãnh đạo nước Anh trong những năm 1980 và thực hiện nhiều cải cách kinh tế - hay Angela Merkel - vị thủ tướng cứng rắn quyền lực nhất châu Âu.
Tuy nhiên, trái ngược với những hình tượng này, đôi lúc chiến dịch tranh cử của bà Park đã ảnh hưởng tiêu cực đến thông điệp mà bà muốn truyền tải. Người ta hoài nghi về khả năng lãnh đạo nền kinh tế vượt qua gian khó cũng như đối đầu với Triều Tiên của bà.
Nguồn CafeF