Hạn chế dùng USD khiến kinh tế Argentina lao đao
Kể từ tháng 10 năm ngoái, người dân bình thường cần giấy phép của cơ quan thuế để mua USD. Tuy nhiên, trong những tuần qua, giấy phép mua USD gần như không còn. Người mua nhà buộc phải ra thị trường chợ đen, nơi giá USD cao hơn tỷ giá chính thức 40%. Vì vậy, thị trường phần nào bị đóng băng, và tác động vào xây dựng.
Argentina có 5 loại tiền tệ khác nhau kể từ những năm 1970, bao gồm cả neo tỷ giá với USD kéo dài hàng thập kỷ cho đến khi nước này vỡ nợ 100 tỷ USD năm 2001. Khủng hoảng kinh tế, bao gồm cả siêu lạm phát và phá giá tiền tệ liên tục, đã khiến nội tệ cũ vốn được sử dụng từ cuối thế kỷ 19 đến năm 1969 mất giá mạnh. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi dân chúng không có niềm tin vào peso, và ưa tiết kiệm bằng USD hơn.
Tổng thống Cristina Fernnández muốn thay đổi điều này, chính bà đã tuyên bố đổi khoảng 3 triệu USD tiết kiệm của mình sang peso và buộc các bộ trưởng làm như vậy. Nhưng lời hô hào của chính phủ lại càng làm gợi lại hậu quả của vỡ nợ. Người Arhentina có lẽ chọn giải pháp thận trọng, ước tính tháng 5 họ rút hơn 1 tỷ USD tiết kiệm trong nửa cuối tháng 5, giữa bối cảnh lo ngại về suy thoái.
Xuất khẩu, giảm lần đầu tiên trong tháng 4 kể từ cuối năm 2009, trong khi đó xuất khẩu ô tô, ngành công nghiệp lớn nhất đất nước, giảm 46% trong tháng 5. Khu vực trang trại có nguồn thu từ xuất khẩu cũng chịu sức ép do đợt hạn hán khủng khiếp và sau đó là nhiều mưa nhất trong thế kỷ.
Martín Redrado, cựu thống đốc ngân hàng trung ương cho biết Argentina không nằm trong cộng đồng tài chính quốc tế nên không thể tiếp cận thị trường tín dụng quốc tế, nước này cũng không có dòng vốn đầu tư vào lớn, và nguồn USD duy nhất là thặng dư thương mại, đang giảm xuống.
Các doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng vì lệnh cấm USD, khi chính phủ hạn chế nhập khẩu để ngăn chặn dòng USD ra khỏi quốc gia. Hiện giờ, lệnh cấm mới nhằm vào các nhà xuất khẩu, buộc họ phải đưa lợi nhuận về nước nhanh hơn.
Kể từ cuối tháng 4, thời gian cho phép thu lại doanh thu xuất khẩu giảm một nửa xuống 90 ngày, một động thái có thể đặc biệt tác động tới công nghiệp rượu khi các nhà sản xuất rượu mất lợi thế bán chịu.
Carlos Clenment, điều hành một công ty tư vấn thương mại, cho rằng các chính sách làm giảm tính cạnh tranh, và lạm phát tác động vào lợi nhuận khiến các nhà xuất khẩu hoặc mất tiền, hoặc phải ngừng xuất khẩu, hay phá sản.
Ngoài ra, ông Redrado cũng nhận định chính phủ có thể chọn tăng trưởng chậm hơn để kiềm chế lạm phát và kiểm soát các vấn đề tiền tệ, tuy nhiên càng nhiều hạn chế lại có thể dẫn tới càng ít USD hơn.
Nguồn FT/ DVT