Israel là quốc gia có tỉ lệ dân số được tiêm chủng cao nhất trên thế giới.Ảnh: The Guardian.
Hai liều vaccine Pfizer đạt hiệu quả bảo vệ hơn 95%
Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí y khoa Lancet, 2 liều vaccine Pfizer / BioNTech đạt hiệu quả hơn 95% trong việc chống lại nhiễm trùng, nhập viện và tử vong do COVID-19 ở Israel - quốc gia có tỉ lệ dân số được tiêm chủng cao nhất trên thế giới.
Một mũi vaccine có hiệu quả cung cấp 58% khả năng bảo vệ chống lại nhiễm trùng, 76% chống lại việc nhập viện và 77% chống lại tử vong. Do đó, các tác giả của nghiên cứu nói rằng điều này cho thấy tầm quan trọng của việc tiêm mũi thứ hai.
Nghiên cứu chứng minh sức mạnh của vaccine trong việc chấm dứt đại dịch COVID-19. Các tác giả cho biết: “Những phát hiện này cho thấy rằng việc hấp thụ vaccine cao có thể ngăn chặn đại dịch một cách có ý nghĩa và mang lại hy vọng kiểm soát được đợt bùng phát Sars-CoV-2”.
Tủ lạnh lưu trữ các liều vaccine COVID-19 tại bệnh viện Mount Sinai Queens ở New York, Mỹ. Ảnh: AP. |
Tiến sĩ Sharon Alroy-Preis thuộc Bộ Y tế Israel – tác giả chính của nghiên cứu cho biết: “Đến thời điểm này, chưa có quốc gia nào trên thế giới mô tả tác động sức khỏe cộng đồng quốc gia của một chiến dịch tiêm chủng COVID-19 trên toàn quốc. Những hiểu biết này cực kỳ quan trọng, bởi vì chúng mang lại hy vọng thực sự rằng tiêm chủng COVID-19 sẽ cho phép chúng ta kiểm soát đại dịch, mặc dù vẫn còn một số thách thức đáng kể”.
Điều đáng buồn là nhiều quốc gia khác sẽ không thể bắt chước Israel. “Đáng tiếc, mức độ bao phủ dân số nhanh chóng không thể dễ dàng nhân rộng ở nhiều quốc gia khác”, Giáo sư Eyal Leshem của Trung tâm Y tế Chaim Sheba ở Israel nhận định.
Giáo sư Annelies Wilder-Smith của Trung tâm Y tế Chaim Sheba ở Israel cho biết: việc sử dụng vaccine Pfizer / BioNTech trên toàn cầu bị hạn chế bởi các vấn đề cung ứng, chi phí cao và yêu cầu bảo quản dây chuyền siêu lạnh.
Israel chỉ sử dụng vaccine Pfizer / BioNTech dựa trên sự hiểu biết rằng dữ liệu từ chương trình tiêm chủng sẽ được công bố để chứng minh hiệu quả trong thế giới thực của nó.
Quốc gia này đã phong tỏa toàn quốc từ ngày 27.12.2020 cho đến ngày 7.3.2021 vì sự gia tăng lớn các ca nhiễm, đỉnh điểm là vào tháng 1.2021. Tuy nhiên, đến ngày 3.4, 72% người lớn trên 16 tuổi và 90% người trên 65 tuổi đã được tiêm 2 liều vaccine. Cũng như ở Anh, chủng virus chiếm ưu thế ở Israel là biến thể B.117.
Liều lượng vaccine được tiêm trên 100 người tại một số quốc gia. Ảnh: Our World in Data. |
7 ngày sau liều tiêm thứ hai, vaccine đã mang lại cho người được tiêm khả năng chống lại nhiễm trùng là 95,3% và khả năng bảo vệ khỏi tử vong là 96,7%. Đến 14 ngày sau liều thứ hai, sự bảo vệ đã tăng thêm một chút.
Các tác giả cho rằng: vaccine được phát triển để tiêm hai mũi và mức độ kháng thể cao hơn đáng kể sau liều tiêm thứ hai.
Trong một nghiên cứu riêng biệt được công bố hôm 6.5, các nhà nghiên cứu từ Đan Mạch và Na Uy đã tiết lộ cuộc điều tra của họ về các cục máu đông có liên quan đến vaccine Oxford / AstraZeneca. Họ đã xem xét 280.000 người trong độ tuổi 18-65 được tiêm liều vaccine đầu tiên ở 2 quốc gia trên vào tháng 2 và tháng 3. Họ tìm thấy nhiều cục máu đông trong tĩnh mạch hơn dự kiến, mặc dù các trường hợp này vẫn rất hiếm, chiếm 11 trên 100.000 lần tiêm chủng.
Theo một quan điểm liên quan, Giáo sư Paul Hunter tại Đại học East Anglia cho biết: nghiên cứu trên không thay đổi kết luận của các cơ quan quản lý y học của Vương quốc Anh và châu Âu rằng lợi ích của vaccine Oxford / AstraZeneca vượt xa nguy cơ đối với hầu hết các nhóm tuổi.
Ông Paul Hunter cho rằng: “Những quốc gia đã trì hoãn chương trình tiêm chủng của mình vào thời điểm có tỉ lệ lây truyền cao bằng cách từ chối sử dụng vaccine Oxford / AstraZeneca có sẵn nên biết rằng quyết định của họ sẽ góp phần làm tăng số ca tử vong vốn có thể tránh được do COVID-19”.
Có thể bạn quan tâm:
► Bất bình đẳng về vaccine khiến tất cả các quốc gia đều thua cuộc