Thứ Bảy | 17/05/2014 10:10

Hải Dương 981 - Cỗ máy ngốn tiền của Trung Quốc

Trung Quốc tốn hàng trăm nghìn USD mỗi ngày vì giàn khoan Hải Dương-981 đặt trái phép trong vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Kể từ hôm 1/5 đến nay, phía Trung Quốc đã ngang ngược hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương -981 trong vùng biển thuộc thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, không chỉ gây bức xúc dư luận trong nước, mà còn vấp phải phản ứng mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế.

Không chỉ hạ đặt giàn khoan trái phép, Trung Quốc còn huy động nhiều tàu dân sự và quân sự cản trở các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam, tấn công bằng vòi rồng cũng như hung hăng đâm thẳng vào tàu Việt Nam làm nhiều người bị thương.

Giàn khoan Hải Dương -981 của Trung Quốc có chi phí đóng gần 1 tỷ USD
Giàn khoan Hải Dương -981 của Trung Quốc có chi phí đóng gần 1 tỷ USD

Nhưng có một điều lạ lùng hơn, theo các chuyên gia quốc tế, đó là vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc hạ đặt giàn khoan không hề có dầu mỏ, hoặc nếu có cũng không đáng kể. Điều này cho thấy, mục đích thực sự của Trung Quốc không phải vì dầu mỏ khi xâm phạm trái phép vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.

Thay vì nhắm tới một khu vực có trữ lượng dầu mỏ lớn, Bắc Kinh hiện chỉ đơn giản là muốn gây sức ép lớn nhất có thể lên các nước láng giềng, nhằm tối đa hóa phạm vi vùng biển mà nước này mưu đồ muốn kiểm soát trong tương lai, các chuyên gia khẳng định với kênh tin tức tài chính CNBC.

"Việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 có ít ý nghĩa thực tế về phát triển tại vị trí lô đó, mà phần nhiều nhằm phát đi một lời cảnh báo có tính toán và rất hung hăng của Trung Quốc tới người Việt nam rằng, họ không hài lòng với hoạt động khai thác của Việt Nam tại đó", Ernest Bower, chuyên gia về Đông Nam Á của Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế tại Mỹ nhận định.

Nhưng sau nhiều năm lên kế hoạch khai thác trữ lượng dầu và khí tại Biển Đông, Tập đoàn dầu khí hải dương Trung Quốc CNOOC đã chọn một vị trí không thể kém tiềm năng hơn để hạ đặt giàn khoan. Khu vực này có trữ lượng dầu đã được khảo sát và có khả năng khai thác tương đương chưa tới 1 triệu thùng dầu, nhà kinh tế Alexander Metelitsa của Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ khẳng định.

Nghiên cứu Khảo sát địa chất Mỹ "không hề xem khu vực này trên Biển Đông là vùng có những bể chứa dầu và khí đáng kể", ông Metelitsa quả quyết.

Thiệt hại hàng trăm nghìn USD/ngày

CNOOC đã thúc đẩy một cách mạnh mẽ các kế hoạch khoan thăm dò ở các vùng nước sâu, Kang Wu, phó chủ tịch phụ trách châu Á của công ty tư vấn năng lượng quốc tế Facts Global Energy cho biết. Điều đó có nghĩa là phải vươn ra ngoài lãnh thổ.

"Trung Quốc đã khoan thăm dò xa bờ nhiều năm, và hoạt động sản xuất của họ vẫn ổn…nhưng loại dầu mỏ đó đang cạn kiệt", ông Wu nói. "Nếu muốn mở rộng sản xuất, họ phải vươn ra ngoài".

Giàn khoan trên có thể là một thông điệp mạnh mẽ của về ý định của Trung Quốc trong khu vực, nhưng nó cũng là một "cỗ máy ngốn tiền". Theo ước tính của ông Bower, việc vận hành một giàn khoan vì mục đích thăm dò cách xa các nguồn hỗ trợ hậu cần thông thường khiến chi phí lên tới hàng trăm nghìn USD mỗi ngày. CNOOC cho biết họ có kế hoạch duy trì Hải Dương -981 ở vị trí hiện tại cho đến tháng 8.

Hồi tháng 5/2011, CNOOC đã hoạt tất việc đóng giàn khoan nước sâu 981 với chi phí khoảng 925 triệu USD, theo dữ liệu từ công ty của ông Metelitsa. Giàn khoan này đã khoan được giếng đầu tiên tháng 5/2012. Và đến tháng 5 năm nay, giàn khoan dài 114m này đã được đưa phi pháp vào vùng biển phía Tây Nam quần đảo Hoàng Sa, nằm trên thềm lục địa của Việt Nam.

Những ước tính hiện tại cho thấy trữ lượng dầu mỏ trên Biển Đông vào khoảng 11 tỷ thùng dầu và 5,38 nghìn tỷ m3 khí đã được khảo sát và có thể khai thác. Lượng dầu này nhiều hơn cả trữ lượng dầu của Mỹ tại Alaska vào giai đoạn đỉnh điểm những năm 1970, và gấp hơn 2 lần lượng khí đốt tại các mỏ Hugoton ở Kansas, Texas và Oklahoma.

Nguồn Dân trí


Sự kiện