Đây là một bước quan trọng trong việc tạo ra sự công bằng và đảm bảo quyền lợi của cộng đồng LGBTQ. Ảnh: Bloomberg.

 
Lam Ngọc Thứ Tư | 27/03/2024 17:18

Hạ viện Thái Lan thông qua dự luật hôn nhân đồng giới

Hạ viện Thái Lan thông qua dự luật hôn nhân đồng giới, đánh dấu bước ngoặt lịch sử cho quốc gia và khu vực Đông Nam Á.

Dự luật hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới sẽ được tiến hành bỏ phiếu tại Quốc hội Thái Lan vào ngày thứ 4 trong tuần này, sau khi Hạ viện Thái Lan thông qua dự luật trong phiên họp cuối. Nếu dự luật này được thông qua, Thái Lan sẽ trở thành quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á cho phép các cặp đôi đồng giới đăng ký kết hôn. 

Sau khi được Hạ viện chấp thuận, dự luật sẽ được trình lên Thượng viện và nhận sự chứng thực của Nhà Vua trước khi chính thức đi vào hiệu lực trong vòng 120 ngày kể từ ngày Hoàng gia phê chuẩn. Theo đó, dự luật này cho phép các cặp đôi đồng giới từ 18 tuổi trở lên kết hôn và có quyền hợp pháp về thừa kế, trợ cấp thuế, nhận con nuôi, cùng với các quyền khác.

Nghị sĩ Danuphorn Punnakanta (đảng Pheu Thai), Chủ tịch Ủy ban dự thảo luật nói trên, cho biết dự luật nhằm giảm bớt sự chênh lệch trong xã hội và bắt đầu tạo ra sự bình đẳng. Bên cạnh đó, động thái mang tính bước ngoặt này cũng có thể củng cố vị thế của Thái Lan như một trong những xã hội tự do nhất châu Á về các vấn đề đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính và chuyển giới, với thái độ cởi mở và tự do.

Thái Lan đứng trước cơ hội trở thành điểm đến du lịch LGBTQ hàng đầu. Ảnh: Bloomberg.
Thái Lan đứng trước cơ hội trở thành điểm đến du lịch LGBTQ hàng đầu. Ảnh: Bloomberg.

Đài Loan và Nepal là hai quốc gia duy nhất ở châu Á công nhận hôn nhân đồng giới, trong khi các quốc gia khác trong khu vực đều có những ý trái chiều. Hồng Kông vẫn chưa đạt được sự đồng thuận sau phán quyết của tòa án năm 2023, còn Tòa án Tối cao Ấn Độ đã từ chối hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới, đồng thời cho rằng đây là một vấn đề mà Quốc hội cần phải xem xét kỹ lưỡng.

Nếu dự luật Hôn nhân đồng giới của Thái Lan được thông qua, nó sẽ thay đổi định nghĩa của hôn nhân từ “một người đàn ông và một người phụ nữ” thành “hai cá nhân”, và thay đổi tình trạng pháp lý chính thức từ “chồng và vợ” thành “cặp vợ chồng”. Trên thực tế, Thái Lan đã có những điều luật bảo vệ người thuộc cộng đồng LGBTQ khỏi phân biệt đối xử từ năm 2015,  nhưng các nỗ lực để hợp pháp hóa quyền hôn nhân đã bị trì hoãn.

Năm 2021, Tòa án Hiến pháp đã giữ nguyên luật công nhận hôn nhân chỉ  giữa một người đàn ông và một người phụ nữ. Năm 2023, dự luật công nhận quan hệ đối tác dân sự đồng giới đã không được Quốc hội thông qua trước cuộc bầu cử.

Chính phủ của Thủ tướng Srettha Thavisin cũng cam kết sẽ nghiên cứu một dự luật công nhận giới tính và Bộ Y tế cũng đã đề xuất việc hợp pháp hóa dịch vụ mang thai hộ thương mại, cho phép các cặp đôi LGBTQ có thể nhận con nuôi. Bên cạnh đó, nước này cũng đang nỗ lực tổ chức sự kiện WorldPride tại Bangkok vào năm 2028.

Theo nhiều ý kiến, việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới có thể mang đến những tác động tích cực cho ngành du lịch, đóng góp khoảng 12% vào nền kinh tế trị giá 500 tỉ USD của Thái Lan. Năm 2019, trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra làm gián đoạn ngành du lịch quốc tế, hoạt động du lịch và du lịch LGBTQ đến Thái Lan đã mang lại khoảng 6,5 tỉ USD, tương đương 1,2% GDP, theo các chuyên gia tư vấn LGBT Capital.

“Việc công nhận hôn nhân đồng giới có thể làm tăng danh tiếng cho Thái Lan như một điểm đến du lịch thân thiện với cộng đồng LGBTQ. Điều này cũng sẽ nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế. Dự luật có thể mang đến môi trường thoải mái và an toàn cho du khách, đồng thời thu hút thêm nhiều khách du lịch LGBTQ. Sắp tới, chúng ta có thể chứng kiến sự gia tăng của các lễ cưới của những cặp đôi đồng giới, và tất nhiên sẽ tạo ra thu nhập cho các ngành công nghiệp và cộng đồng địa phương”, ông Wittaya Luangsasipon, Giám đốc Điều hành Siam Pride, cho biết.

Có thể bạn quan tâm:

Thị trường IPO Hồng Kông "nóng" lại vì các chuỗi trà sữa trân châu

Nguồn Bloomberg