Nguồn: CBS News
Hạ tỷ giá, Trung Quốc đang chơi dao?
Động thái bất ngờ
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã điều chỉnh tỷ giá tham chiếu của đồng Nhân dân tệ ở mức 6,3670 đổi 1 USD. Đây là mức điều chỉnh lớn nhất kể từ ngày 7.2.2018.
Ông Ken Cheung, Chiến lược gia tiền tệ tại Mizuho Bank ở Hồng Kông, cho hay: “Động thái điều chỉnh tỷ giá tham chiếu ngày 2.5 là khá quyết liệt. Trung Quốc có thể muốn làm suy yếu đồng Nhân dân tệ (NDT hay CNY) ngay trước thềm cuộc đàm phán thương mại với Mỹ để họ có cơ hội gia tăng sức mạnh của đồng tiền này nếu cần thiết”, ông Cheung cho hay, đồng thời nói thêm các nhà hoạch định chính sách cũng có thể muốn ngăn chặn đà tăng của đồng Nhân dân tệ so với các đồng tiền chủ chốt khác.
Ngoài ra, Qi Gao, một chiến lược gia của Scotiabank Singapore cho biết: "Trung Quốc có thể lo ngại rằng các cuộc xung đột thương mại với Mỹ có thể sẽ làm giảm xuất khẩu và có thể là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sẵn sàng làm suy yếu đồng tiền thêm nữa nếu căng thẳng leo thang. PBOC sẽ không cho phép giảm nhanh chóng, vì những động thái như vậy có thể gây ra dòng vốn tháo chạy khỏi Đại lục và khó có thể kiểm soát được".
Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Steven Mnuchin, Cố vấn Nhà Trắng cấp cao, Larry Kudlow, và Bộ trưởng Thương mại Mỹ, Wilbur Ross, sẽ có mặt ở Bắc Kinh nhằm cố gắng thu hẹp thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc.
Ngoài động thái trên, tờ Hoàn Cầu Thời Báo còn viết: “Washington đừng kỳ vọng rằng nỗi lo chiến tranh thương mại sẽ buộc Bắc Kinh chấp nhận mọi đề nghị của Mỹ. Các cuộc đàm thoại sắp tới sẽ được tổ chức dựa trên nền tảng bình đẳng và các đại diện Mỹ phải tới Trung Quốc với sự chân thành”.
Các cuộc đàm phán dự kiến diễn ra vào ngày 3-4.5 ở Bắc Kinh, sau khi căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới dâng cao trong vài tháng gần đây với việc hai bên đe dọa áp thuế lên hàng hóa lẫn nhau.
Lợi nhiều hơn hại
Mỹ và Trung Quốc đang tiến hành một cuộc chiến thương mại thông qua từ ngữ, trong đó các cụm từ như “chuyển giao công nghệ cưỡng bức” và “thuế suất 25%” đã được đưa ra nhưng không có gì thực sự xảy ra.
Lần gần nhất Bắc Kinh giảm giá đồng nội tệ, xuất khẩu của Trung Quốc không tăng cao. Thay vào đó, nó kích hoạt dòng tiền chảy khỏi đại lục. Vào năm 2015, PBOC đã đưa ra một chế độ tỷ giá hối đoái mới và khiến đồng NDT mất giá nhẹ so với đồng USD. Dòng tiền tháo chạy khỏi Trung Quốc bắt đầu tăng lên, và ngày một nghiêm trọng hơn vì người nắm giữ NDT nghĩ rằng đồng tiền này còn có thể mất giá hơn nữa. Và điều này lại tạo ra áp lực mất giá của đồng NDT so với đồng USD. Để khắc phục, PBOC đã liên tục phải sử dụng kho dự trữ ngoại hối của mình để can thiệp và bình ổn thị trường ngoại hối, dự trữ ngoại hối Trung Quốc đã giảm từ gần 4.000 tỷ USD xuống còn 3.000 tỷ USD trong giai đoạn 2014-2017.
Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc qua các năm. Ảnh: Trading Economics/PBOC |
Đáng chú ý, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã tự bắn vào chân mình vào đầu năm 2016. Dòng vốn tháo chạy ra khỏi Đại lục dù đã chậm lại nhưng hiệu ứng dồn tích đủ lớn để gây ra mối lo ngại toàn cầu về khủng hoảng cán cân thanh toán. Bắc Kinh cuối cùng đã học được một bài học vào cuối năm 2016, họ áp đặt những hạn chế mới về dòng vốn ra khỏi đại lục và đảo ngược đà mất giá NDT so với đồng USD với mức tăng 7% trong năm 2017.
Tỷ giá USD/CNY qua các năm, tỷ giá tăng hàm ý NDT mất giá so với USD, giảm hàm ý NDT tăng giá so với USD. Ảnh: Yahoo Finance |
Kết quả là dự trữ ngoại hối ổn định. Việc hạ giá đồng NDT một lần nữa có thể khiến dòng vốn tháo chạy khỏi Đại lục, điều này trái với các mục tiêu chính sách của Trung Quốc.
Dòng vốn tháo chạy là một vấn đề kinh niên mà Bắc Kinh không giải quyết vào cuối năm 2016. Trung Quốc dựa vào tiền tiết kiệm của người dân để tài trợ cho các sáng kiến của nhà nước. Khoản tiết kiệm đang bị mắc kẹt trong các tài khoản lãi suất thấp tại các ngân hàng nhà nước, từ lâu được gọi là kìm hãm tài chính (financial repression).
Trung Quốc tuyên bố có một nền kinh tế phát triển nhanh, nhưng sự căng thẳng trên hệ thống tài chính của nó đang phát triển nhanh hơn nhiều. Từ năm 2009 đến năm 2016, tín dụng cho khu vực phi tài chính đã tăng lên với tốc độ gấp đôi tăng trưởng GDP. Mỹ mất 34 năm để tăng gánh nặng nợ của mình bằng với những gì Trung Quốc đã làm trong 8 năm.
Theo các chuyên gia Mỹ, điểm tiên quyết của chính sách tài chính của Bắc Kinh là đảm bảo người Trung Quốc gửi tiền vào các tổ chức tài chính trong nước. Để làm được như vậy, Trung Quốc đã thắt chặt dòng vốn chảy ra khỏi nền kinh tế và sử dụng một cơ chế ấn định tỷ giá, đây là một yếu tố để ổn định thị trường tài chính Trung Quốc. Vì vậy, mục tiêu chính của chính sách tỷ giá hối đoái của Bắc Kinh không phải là để thúc đẩy xuất khẩu, như các nhà phê bình Mỹ tin tưởng.
Nguồn Tổng hợp