Thứ Ba | 15/04/2014 18:15

Gót chân Asin trên thị trường trái phiếu Nga

Các doanh nghiệp tư nhân Nga bị gạt khỏi thị trường trái phiếu toàn cầu làm dấy lên đồn đoán rằng họ có thể cần đến hỗ trợ của chính phủ.
Nga có nguy cơ rơi vào một cuộc khủng hoảng tài chính khi phương Tây thắt chặt trừng phạt. Các công ty tư nhân của Nga gần như bị gạt khỏi thị trường trái phiếu toàn cầu kể từ khi khủng hoảng nổ ra, dẫn đến đổ vỡ tín dụng nghiêm trọng và làm dấy lên lo ngại những doanh nghiệp này không thể trả nợ mà không có sự hỗ trợ từ chính phủ.

Nhân viên tại một ngân hàng của Nga cho biết, các doanh nghiệp phải huy động 10 tỷ USD/tháng nhưng hiện không có biến chuyển gì. Điểm dễ tổn thương nhất của Nga chính là thị trường trái phiếu.

Lars Christensen thuộc ngân hàng Danske cho rằng kinh tế Nga đã rơi vào suy thoái và có thể giảm 4% nếu bị áp thêm các lệnh trừng phạt mới và có nguy cơ lặp lại kịch bản năm 2008 khi dòng tiền bốc hơi sau một loạt vụ vỡ nợ và khủng hoảng trong ngành ngân hàng.

“Nga đang đối mặt với nguy cơ đóng băng tín dụng và một cú sốc về dòng vốn giống như cuộc khủng hoảng khi Lehman Brothers sụp đổ, ông Christensen nhận định. Kể từ đầu năm, khoảng 65 tỷ USD rút khỏi Nga, so với 135 tỷ USD cuối năm 2008.

“Thị trường dường như cho rằng điện Kremlin sẽ không để mọi thứ tồi tệ hơn nữa… Chúng tôi cho rằng thị trường Nga sẽ có sự điều chỉnh mạnh hơn nữa”, ông nói.

Bank of America cho rằng những bất ổn ở miền Đông Ukraine trong 3 ngày trở lại đâu làm tăng nguy cơ nổ ra một cuộc nội chiến và EU, Mỹ, Nhật, Canada sẽ siết chặt trừng phạt Nga.
Cảnh báo được đưa ra ngay khi các ngoại trưởng EU nhất trí phá kế hoạch trừng phạt bổ sung đối với Nga với mục tiêu nhắm tới lần này là kinh tế và tài chính nếu Nga đưa quân đến miền Đông Ukraine.

EU cũng đưa ra kế hoạch giảm phụ thuộc dầu và khí đốt từ Nga, ký hiệp định hợp tác với Ukraine. Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt của EU đến nay phần lớn mang giá trị biểu tượng.
Trong khi đó, Mỹ dùng sức mạnh tài chính của mình buộc các ngân hàng trên toàn thế giới ngừng làm ăn với Nga. Nhà đầu tư đã lường trước được điều này, nhiều doanh nghiệp Mỹ và châu Âu đã hoãn đầu tư và các thương vụ làm ăn với đối tác Nga.

Chris Weafer tại Macro Advisory cho rằng, kinh tế suy giảm, rúp mất giá 9% từ đầu năm sẽ buộc chính phủ Nga tìm cách tránh khủng hoảng. Ngân hàng trung ương Nga có dự trữ lên đến 490 tỷ USD để bảo vệ đồng rúp nhưng khó tận dụng biện pháp này mà không thắt chặt cung tiền và khiến suy thoái sâu hơn.

Theo báo cáo của Sberbank, Nga nợ nước ngoài 714 tỷ USD. 90% vốn đầu tư của Tập đoàn dầu khí Rosneft là nợ nước ngoài. Hiện khoảng 70% cổ phiếu giao dịch tự do của Nga do nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ.

Sberbank cảnh báo, gia tăng trừng phạt có thể khiến chỉ số RTS trên thị trường chứng khoán Nga giảm 30%, tuy nhiên đây có thể là thời điểm tốt để mua cổ phiếu Nga.

Nguồn Gafin/Telegraph/NCĐT


Sự kiện