Goldman Sachs và cuộc tháo chạy khỏi ngân hàng Trung Quốc
Thương vụ này của Goldman Sachs nhằm chấm dứt 7 năm đầu tư vào định chế tài chính lớn của Trung Quốc. Goldman Sachs bán cổ phiếu ICBC với giá 5,5 đô la Hong Kong, thương vụ hoàn tất sẽ giúp Goldman Sachs thu về tổng cộng 9,7 tỷ USD sau các lần thoái vốn.
Thông tin thoái vốn của Goldman Sachs đưa ra sau khi quỹ BlackRock hôm qua cũng bán 27,4 triệu cổ phần trong ICBC, giảm tỷ lệ cổ phần trong ngân hàng này xuống gần 6%.
Tháng 1/2006, Goldman Sachs và các quỹ đầu tư ngân hàng này quản lý đã đồng ý mua 2,58 tỷ USD cổ phần trong ICBC. Sau đó, Goldman Sachs bán cổ phiếu ICBC 4 lần bắt đầu từ năm 2009 và thu về tổng cộng gần 8 tỷ USD, theo Bloomberg.
Goldman Sachs không phải là nhà đầu tư nước ngoài chiến lược đầu tiên thoái vốn khỏi ngân hàng Trung Quốc. Sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, ngân hàng lớn nhất Thụy Sỹ UBS và Ngân hàng Hoàng gia Scotland đều bán cổ phần trong Bank of China, một ngân hàng quốc doanh quy mô lớn khác của Trung Quốc nhằm tăng vốn.
Ngân hàng HSBC cũng dự kiến bán 8% cổ phần trong Ngân hàng Thượng Hải trong vài tháng tới, tạp chí Forbes (Mỹ) cho biết hôm 23/4.
Một chuyên gia phân tích tài chính giấu tên tại Thượng Hải cho tờ South China Morning Post(Trung Quốc) cho rằng Trung Quốc hiện không còn quan trọng đối với cộng đồng tài chính thế giới nữa.
Sở dĩ các định chế nước ngoài thoái vốn tại các ngân hàng Trung Quốc bởi họ không còn thu về lợi nhuận béo bở như trước kia. Mặt khác, các ngân hàng Mỹ và châu Âu cũng đang đứng trước thách thức tăng vốn nhằm đáp ứng tiêu chuẩn Basel mới dự kiến có hiệu lực từ năm 2015.