Thứ Ba | 11/09/2012 16:45

Goldman Sachs: Trung Quốc chưa đầu tư quá mức

Goldman Sachs cho rằng việc bơm hàng trăm tỷ USD cho các dự án xây dựng không gây ra tình trạng dư thừa ở Trung Quốc.
Mới đây, chính quyền Bắc Kinh đã phê duyệt hơn 150 tỷ USD đầu tư vào các dự án hạ tầng cơ sở. Động thái này được coi là tín hiệu đáng mừng chứng tỏ Trung Quốc đang bắt tay vực dậy nền kinh tế đang suy giảm. Tuy nhiên, điều đó cũng làm dấy lên lo ngại rằng gói kích thích mới này có thể gây ra tình trạng dư thừa công suất trong những lĩnh vực từng được đầu tư trong năm 2008.

Mặc dù vậy, ngân hàng đầu tư Mỹ Goldman Sachs lại nhận định rằng Trung Quốc vẫn có thể mở rộng đầu tư. Ngân hàng cũng cho rằng có rất ít bằng chứng cho thấy tình trạng đầu tư quá mức trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, bao gồm đướng sắt, đường bộ và hàng không của Trung Quốc.

Trong buổi trả lời phỏng vấn đài CNBC, nhà kinh tế học Micheal Buchanan tại Goldman Sachs dẫn chứng: "Kể từ năm 2000, tổng chiều dài đường cao tốc tại Trung Quốc đã tăng gấp đôi, tuy nhiên số ô tô trên mỗi kilomet đường lại tăng gấp 3. Điều đó có nghĩa tốc độ mua xe ô tô của Trung Quốc vẫn cao hơn tốc độ xây dựng đường giao thông".

Tỷ lệ đầu tư trên GDP của Trung Quốc hiện tại đã vượt qua cả Nhật Bản thời kỳ Thế chiến II, thậm chí còn hơn hẳn Mỹ trong suốt thời kỳ bùng nổ xây dựng đường sắt và kênh đào thế kỷ 19, song chưa ở tình trạng quá mức, Goldman Sachs nhận định.

"Nếu so sánh với quy mô diện tích, dân số và thu nhập, có thể thấy rằng mức độ cơ sở hạ tầng của Trung Quốc vẫn ở mức thấp và do đó vẫn còn chỗ cho hoạt động đầu tư", ông Buchanan nói.

Cũng theo ông Buchanan, một nghiên cứu mới đây về mạng lưới đường sắt tại 80 tỉnh thành của Trung Quốc cho thấy khi so sánh với quy mô diện tích, dân số và thu nhập, Trung Quốc cần phải mở rộng hệ thống đường sắt thêm 23% nữa.

Ông Buchanan cũng chỉ ra rằng số tiền đầu tư vào đường xá và nhà máy trên cơ sở bình quân đầu người của Trung Quốc vẫn khá thấp so với Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ, và do đó những lo ngại về dư thừa là không có cơ sở.

Tuy nhiên, những khoản chi tiêu trước đó của chính phủ từng gây ra tình trạng bùng nổ tín dụng tại Trung Quốc, đó cũng là lý do vì sao một số chuyên gia cảm thấy lo ngại về sự không bền vững và dư thừa quá mức.

Nguồn CNBC/Khampha


Sự kiện