Thứ Hai | 16/07/2012 08:01

Goldman Sachs: Gói cứu trợ ngân hàng hiện thời không đủ để cứu Tây Ban Nha

Tây Ban Nha có thể cần nhiều hơn gói cứu trợ 100 tỷ euro (122 tỷ USD) của phương Tây để tái cấu trúc hệ thống ngân hàng.
Báo cáo hàng tuần "Phân tích kinh tế châu Âu" của Goldman Sachs ngày 13/6 cho biết nợ nước ngoài lớn cùng với "sự cứng nhắc trong cấu trúc ngăn cản tiến trình điều chỉnh" khiến Tây Ban Nha không thể giải quyết khủng hoảng nợ nếu thiếu các biện pháp hỗ trợ thêm được công bố vào tuần này.

Các nhà phân tích nhấn mạnh rằng nợ nước ngoài của Tây Ban Nha ở mức ngang ngửa Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Ireland, những nước đã yêu cầu sự hỗ trợ của EU trong suốt cuộc khủng hoảng. Nợ nước ngoài (cả nợ và vốn chủ sở hữu) của Tây Ban Nha hiện đang chiếm khoảng 90% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Do quy mô nợ lớn nên các biện pháp hỗ trợ cho Tây Ban Nha sẽ phải linh hoạt hơn so với hỗ trợ cho các nước khác, báo cáo cho biết.

Các biện pháp được đưa ra bao gồm hoạt động tái cấp vốn dài hạn (LTRO) để giải quyết vấn đề thanh khoản của các ngân hàng, đồng thời bơm vốn cho các ngân hàng Tây Ban Nha bằng cách cho phép Cơ chế bình ổn châu Âu trực tiếp chiếm cổ phần trong các ngân hàng này. Cơ chế bình ổn châu Âu và Quỹ bình ổn tài chính châu Âu được phép mua trái phiếu chính phủ của các nước EU trong thị trường mở.

Báo cáo của Goldman Sachs cũng dự báo GDP của Tây Ban Nha sẽ giảm 1,4% vào năm 2012, trước khi giảm thêm 1,2% vào năm 2013. Đối với toàn khu vực eurozone, Goldman Sachs dự báo tăng trưởng GDP trung bình là 0,4% vào năm 2013.

Trước đó, tại cuộc họp vào cuối tháng 6, các lãnh đạo khu vực châu Âu đã nhất trí về gói cứu tài chính trị giá 100 tỷ euro (125 USD) nhằm hỗ trợ hệ thống ngân hàng Tây Ban Nha chống đỡ khủng hoảng. Thỏa thuận cuối cùng sẽ được đưa ra vào ngày 20/7.

Các bộ trưởng tài chính châu Âu cũng đồng ý giảm bớt các mục tiêu thâm hụt ngân sách cho Tây Ban Nha xuống 6,3% GDP vào năm nay; 4,5% vào năm 2013 và 2,8% vào năm 2014. Đổi lại, Thủ tướng Mariano Rajoy đã công bố các loại thuế mới và thắt chặt chi tiêu để giúp Tây Ban Nha cắt giảm 65 tỷ euro (79 tỷ USD) thâm hụt ngân sách vào năm 2014.

Theo quy định của Liên minh châu ÂU (EU) các nước trong khu vực đồng euro phải giữ thâm hụt ngân sách bằng hoặc thấp hơn 3%, tuy nhiên thâm hụt của nhiều nước đã vượt qua con số giới hạn này từ khi cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu.

Nguồn CNBC/DVT


Sự kiện