Goldman Sachs đau đầu với phiên bản "Made in China"
Từ lâu, Trung Quốc đã "nổi tai tiếng" với việc phát hành phim ảnh lậu, cộng với sản xuất túi xách, đồng hồ và thậm chí là xe hơi giả danh các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới. Nhiều người cho rằng không có gì trên thế giới mà Trung Quốc không làm nhái hay mang về đất nước của họ được. Và mới đây nhất, tập đoàn ngân hàng đầu tư Goldman Sachs của Mỹ cũng lọt vào nhóm các thương hiệu bị giả mạo tại Trung Quốc.
Theo đó, công ty cho thuê tài chính Goldman Sachs "phiên bản 2" có trụ sở tại Thâm Quyến đã lấy tên gần y hệt như tập đoàn Goldman Sachs ở Mỹ, có khác là thêm chữ "Thâm Quyến" ở phía sau. Không dừng lại ở đó, trang web chính thức của công ty giả mạo còn tuyên bố họ là một trong những công ty cho thuê tài chính lớn nhất Thâm Quyền.
Tháng 5 năm 2013, công ty này đã trình lên chính quyền Thâm Quyến để xin giấy phép hoạt động và sử dụng tên tiếng trung là “Gao sheng” còn tên tiếng Anh là Goldman Sachs. Điều này khiến nhiều người lầm tưởng rằng đây là một chi nhánh thật của Goldman Sachs.
Trong khi đó, bà Connie Ling - một phát ngôn viên của Goldman Sachs tại Hồng Kông khẳng định không có bất kỳ mối liên hệ nào giữa họ và công ty giả mạo này. Bà Ling cho biết thêm phía Goldman Sachs đang điều tra vấn đề này.
Đường dây mờ ám
Đây không phải là lần đầu tiên tại Trung Quốc diễn ra tình trạng ngân hàng giả mạo. Hồi đầu tháng 8, một người đàn ông 39 tuổi tại tỉnh Sơn Đông đã bị bắt sau khi thiết lập một chi nhánh giả mạo của Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, có đủ cả đầu đọc thẻ, quầy rút tiền và biển hiệu bên ngoài. Vụ việc được phát hiện sau khi một người phụ nữ địa phương gửi vào chi nhánh giả mạo này 40.000 NDT (tương đương 6.200 USD) nhưng không thể rút tiền tại chi nhánh thật.
Vụ việc Goldman Sachs giả hiệu được đưa ra ánh sáng từ một lá thư của liên đoàn nhân viên casino Mỹ. Người nhận lá thư này là ông Vương Kỳ Sơn - người đứng đầu Ban Thanh tra Trung ương của Trung Quốc, hiện đang lãnh đạo chiến dịch chống tham nhũng mạnh tay nhất trong nhiều thập kỷ qua.
Các chi tiết trong bức thư kiến nghị cho biết công ty Goldman Sachs giả hiệu này có liên quan đến một nhóm các công ty thuộc về gia đình trùm cờ bạc Cheung Chi-tai. Cheung là một nhân vật có máu mặt trong những tụ điểm ăn chơi ở Macau, chuyên cung cấp những khoản vay cho các con bạc cao cấp đến từ Trung Quốc. Do chiến dịch chống tham nhũng mạnh tay của ông Vương Kỳ Sơn, các sòng bạc của Macau đang bị thiệt hại đáng kể về mặt doanh thu.
Con kiến đi kiện củ khoai?
Sự việc lần này một lần nữa cho thấy sự bất cập trong luật pháp về vấn đề bảo hộ bản quyền giữa Trung Quốc và các nước khác không thống nhất. Điều này khiến việc các công ty nước ngoài bị giả mạo thương hiệu tại Trung Quốc là rất khó xử lý.
Ông Paul Haswell - một luật sư của hãng luật Pinsent Masons đang làm việc tại Hongkong cho biết “ Đã có không ít trường hợp các cá nhân và tổ chức tại Trung Quốc đăng ký thương hiệu tại nước này trùng với thương hiệu của các công ty nước ngoài đang còn hoạt động".
Chiếu theo lịch sử về bảo vệ thương hiệu của Trung Quốc thì xem ra Goldman Sachs không có nhiều hy vọng cho lắm. Huyền thoại bóng rổ Michael Jordan cũng từng thất bại trong việc cáo buộc một công ty thể thao lớn của Trung Quốc về việc tự ý sử dụng tên phiên âm tiếng Trung của anh cho các sản phẩm của họ.
Ngay như tập đoàn khổng lồ Apple cũng chấp nhận thua cuộc và chi trả 60 triệu USD để giải quyết tranh chấp nhãn hiệu iPad với một công ty Trung Quốc, nếu không thì Apple sẽ không được quyền bán iPad tại Trung Quốc.
“Muốn khởi kiện về xâm phạm thương hiệu ở Trung Quốc là cực kỳ khó”, ông Haswell cho biết. “Thường thì luật chơi ở đây là ai cứ đăng ký trước thì sẽ thắng kiện".
Đinh Hạnh
Nguồn Bloomberg